Hành lang pháp lý trong thu hút đầu tư PPP

Ngô Đức Hành|03/01/2020 15:13

(VLR) Hiện nay, xã hội hóa đầu tư công là một chủ trương lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) cũng vậy, càng vậy. Giai đoạn 2011 - 2015, các nhà đầu tư rất hăng hái đầu tư theo phương thức BOT và hạ tầng GTVT. Tuy nhiên, chính sách, luật pháp còn nhiều sơ hở nên câu chuyện đã rẽ sang nhiều hướng.

Khi nhà nước bị "dọa"

Về BOT, đúng là “vừa làm vừa xếp hàng” nhưng điều phải suy nghĩ là năm 2017, theo kết luận kiểm toán Nhà nước (KTNN), một số dự án đưa các nội dung chưa có trong quy định vào phương án tài chính để hoàn vốn. 5/75 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công hơn 1.400 tỷ đồng. 9/75 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác là hơn 940 tỷ đồng chưa phù hợp.

Do đó, KTNN yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 14 dự án giao thông BOT vì có nội dung chưa có trong quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Thế nhưng, các nhà đầu tư đồng loạt phản ứng.

Kết quả sau kiểm toán là: 61 dự án BOT giao thông, KTNN giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ GTVT với nhiều lập luận cho rằng, KTNN không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

Chỉ riêng về nhận thức pháp luật với vấn đề BOT, đã thấy giữa các Bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước rõ ràng là không ổn. Gần đây việc thực hiện dự án thu phí tự động không dừng được xem là giải pháp “đặc trị” để công khai, minh bạch trong thu phí BOT giao thông cũng như chống ùn tắc tại các trạm thu phí. Sự chỉ đạo này có từ Chính phủ chứ không phải Bộ GTVT tự nghĩ ra.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đến nay, dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước (đại diện là Bộ GTVT) thì ra “tối hậu thư” cho các nhà BOT, còn các nhà BOT thì đổ lỗi cho Bộ GTVT và “dọa” trả dự án cho Nhà nước. Nguy cơ là, rất khó để hoàn thành trước 31/12/2019 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Rõ ràng, có biểu hiện “nuông chiều” doanh nghiệp quá lâu dẫn đến việc hình thành cách ứng xử của những “đứa con” khó bảo. Doanh nghiệp đã “đánh hơi” rất nhanh, Nhà nước không có vốn nên đã “làm mình làm mẩy”. Không chỉ BOT, ngay cácdựánBTđổicôngtrìnhlấyđấtởcácđôthịlớn hiện nay cũng rất nhiều vấn đề. Còn nhớ, trước đây 3 năm khi đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có tuyên ngôn ấn tượng: “Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước”. Đừng “dễ làm”, khi thắt chặt bằng “công khai, minh bạch” mà “dọa bỏ”!

Hai phía đổ lỗi cho nhau?

Mặc dù đã được triển khai hơn 20 năm nay, nhưng quy định pháp luật cho đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) còn chưa hoàn thiện. Quá trình triển khai các dự án xảy ra rất nhiều bất cập mà phần lớn xuất phát từ việc chưa phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của cả hai bên, Nhà nước và nhà đầu tư. Đây là vấn đề đang được quan tâm khi dự thảo Luật PPP đang được trình ra Quốc hội thảo luận.

Đây cũng là vấn đề được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập khi góp ý cho dự thảo Luật. Theo VCCI, về nguyên tắc, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng, trừ khi chứng minh được có gian dối khi ký hợp đồng. Đây là nguyên tắc được thừa nhận đương nhiên trong pháp luật hợp đồng và thực tiễn xét xử các tranh chấp hợp đồng PPP.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan Nhà nước. Một số cơ quan đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư trái với nội dung hợp đồng và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình. “Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan Nhà nước pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư”, VCCI cho biết.

Để tránh tình trạng này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng, các cơ quan, cán bộ Nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

VCCI cho rằng, để kêu gọi đầu tư vào dự án PPP bằng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi chưa đủ mà Nhà nước phải sòng phẳng với nhà đầu tư. Cảng hàng không do doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đã hoàn thành nhưng đường băng cho tàu bay cất, hạ cánh, Nhà nước lại không làm thì ai bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư? Cây cầu do doanh nghiệp bỏ vốn ra làm đã hoàn thành, nhưng đường dẫn lên cầu thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước thì mấy năm mới xong, trong thời gian cây cầu không đưa vào khai thác do không có đường lên cầu thì ai chịu, đây là những ví dụ về tính đồng bộ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Luật Đầu tư PPP cần phải quy định rõ, trong hợp đồng được ký kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải quy định cụ thể việc xử lý vấn đề này trên nguyên tắc bên nào gây ra thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường, Nhà nước phải sòng phẳng với doanh nghiệp mới thu hút được doanh nghiệp bỏ vốn làm PPP.

Câu chuyện thực hiện dự án thu phí tự động không dừng trên các tuyến đường bộ do các nhà đầu tư bỏ tiền ra làm hiện nay đang “mắc mớ” cho nguyên nhân từ chính sách, luật pháp.

Bao giờ hết chuyện "Thầy bói xem voi"?

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2030 vào khoảng 480 tỷ USD. Bà Linn Tho, chuyên gia về PPP của Ernst & Young Singapore nhận định, Việt Nam đã sử dụng 5,7% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng, đứng đầu các nước trong khu vực và khó có thể tăng thêm. Vì vậy, Việt Nam cần thu hút khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án PPP nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng so với các nước trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua đã có 336 dự án PPP được thực hiện, trong đó có 140 dự án BOT. Mặc dù còn nhiều tồn tại nhưng các dự án PPP đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, các dự án PPP hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nên trong dự thảo Luật PPP đã đưa ra các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, do sự hiểu biết, nhìn nhận về hình thức đầu tư PPP lâu nay còn sai lệch, mỗi nơi một kiểu như “thầy bói xem voi”, dẫn đến loại hình đầu tư này đã gây ra nhiều bất cập. Do đó, rất cần phải có quy định luật hóa cụ thể vấn đề này.

Trong các vấn đề được bàn thảo về dự án Luật, nguyên tắc quan trọng là đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng nhượng quyền để đầu tư, xây dựng dự án PPP. Đối với dự án BOT, quan trọng nhất là bản hợp đồng, đó là văn bản pháp luật mà Nhà nước phải thực hiện. Nếu muốn thu hút nhà đầu tư, thì mỗi hợp đồng nhượng quyền phải là văn bản pháp luật của quốc gia đó với nhà đầu tư.

Trong trường hợp có sự thay đổi thì phải làm rõ trách nhiệm, bồi thường cụ thể.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hành lang pháp lý trong thu hút đầu tư PPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO