Hội thảo khoa học trực tuyến 'Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics'
Chiều ngày 22/11, Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan cho biết, trong bối cảnh tác động dịch bệnh COVID đến mọi lĩnh vực như hiện nay cần điều chỉnh chính sách thuế, quản lý thuế như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân là một vấn đề quan trọng cần có những giải pháp kịp thời.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường việc chuyển đối số trong quản lý thuế ở Việt Nam thực sự cần thiết. Bởi lẽ, kết quả của quá trình chuyển đối số trong quản lý thuế là sự giảm thiểu khối lượng công việc xử lý dữ liệu của cơ quan Thuế, giảm nhân lực quản lý, giảm các chi phí hành chính khác gắn với nhân lực quản lý. Trong khi chi phí quản lý thuế giảm rất nhiều ở mô hình mới thì hiệu suất quản lý thuế được nâng cao, nghĩa vụ thuế được xác định kịp thời và chính xác gắn với thời gian thực và hoạt động tự nhiên của người nộp thuế.
Bà Hoàng Thị Lan Anh (Ban Cải cách, Tổng cục Thuế) cho rằng, hiện tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử tại Việt Nam khá mạnh mẽ. Dự báo tốc độ này trong giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử đạt 52 tỷ USD. Đây là dư địa rất lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước để ngành Thuế cho giải pháp ứng phó kịp thời với những thách thức của hoạt động này.
Vì vậy, theo bà Hoàng Thị Lan Anh để quản lý tuân thủ thuế đối với hoạt động này, cần xây dựng kho cơ sở dữ liệu để nhận diện các hoạt động này nhằm xác định nghĩa vụ người nộp thuế trong thương mại điện tử và xác thực thông tin người bán. Kho dữ liệu này được xây dựng từ nhiều nguồn thông tin như từ các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức trung gian thanh toán, từ các công ty truyền thông về mạng, viễn thông và có thể từ chính người tiêu dùng… Ngoài ra cũng cần áp dụng nghiệp vụ về công nghệ thông tin để thực hiện truy vết các giao dịch thương mại điện tử trên mạng để xác định, đối chiếu giá trj doanh thu với cơ sở xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Đối với lĩnh vực Hải quan PGS.TS Vũ Duy Nguyên, Khoa Thuế và Hải quan cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế và cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang tác động mạnh tới cải cách và hiện đại hóa hải quan, chuyển từ mô hình hải quan truyền thống sang hải quan điện tử, hải quan số và tiến tới hải quan thông minh.
PGS.TS Vũ Duy Nguyên đánh giá, Việt Nam ngày càng tham gia ngày sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt triển khai các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEF thì việc xây dựng và triển khai chiến lược Hải quan thông minh giai đoạn 2021-2030 là tất yếu. Điều này không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn phù hợp với chiến lược hiện đại hóa của hải quan toàn cầu, nhằm tăng cường hơn nữa điều kiện thuận lợi cho sự vận hành và bền vững của chuỗi cung ứng thông minh trên phạm vi toàn cầu.
Đồng tình với nhận định đó, TS Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro cũng cho biết, chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2020-2030 đã đặt mục tiêu tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiếm soát hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.
Đặc biệt, giai đoạn này sẽ hướng tới xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu an toàn thông tin hệ thống với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số…