Từ chuyện CPTPP và một loạt FTA đã được ký
Hồi đầu tháng 2, Viện Nghiên cứu Kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM) đã công bố một con số đáng lưu ý: Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 39% trong năm 2018 – 2019. Đây cũng chính là khoảng thời gian nhìn lại 1 năm sau khi Hiệp định CPTPP – vốn mang nhiều kỳ vọng, có hiệu lực.
Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP ở một số thị trường chưa cao, trừ Mexico và Canada. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định chỉ tăng 8,3% và kim ngạch nhập khẩu tăng 1%. Mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam với những thị trường mới cũng chưa có nhiều đột biến.
Trưởng ban nghiên cứu Tổng hợp CIEM – ông Nguyễn Anh Dương cho rằng dù đã được viết thành văn bản nhưng cách hiểu về chương thương mại và phát triển bền vững giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác trong CPTPP có nhiều sự khác biệt.
Ông đặc biệt nhấn mạnh việc hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ hiểu về thuế quan, cắt giảm thuế quan chứ chưa hiểu đầy đủ cũng như có hệ thống về các khía cạnh khác như xuất xứ, công nghệ…
Ví dụ dễ thấy là Australia đã dừng việc xuất khẩu trâu bò sống sang Việt Nam vì quy trình giết mổ chưa đảm bảo tính nhân đạo theo tiêu chuẩn của thị trường này.
Và những vấn đề thực tiễn từ thực thi CPTPP cũng có thể trở thành câu chuyện của EVFTA về sau.
Đến EVFTA – cửa lớn không dễ vào
Bình luận trên báo chí sau khi EVFTA và IPA chính thức được phê chuẩn, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: Hiệp định chỉ là bước khởi đầu của giai đoạn mới.
Theo ông, bên cạnh những dự báo lạc quan về tiềm năng, cơ hội thị trường thì thách thức lớn nhất sau khi EVFTA được thông qua chính là việc đảm bảo các nguyên tắc, thuận lợi mới trong hiệp định được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp.
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại quốc tế, nghị viện châu Âu từng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt sẽ rộng đường xuất khẩu hàng hoá vào EU khi đạt được các chuẩn mực chung trong thoả thuận và chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững về môi trường, chất lượng, điều kiện lao động...
Thương mại và phát triển bền vững là một yếu tố đặc biệt được thị trường châu Âu chú trọng. Hiệp định EVFTA đã dành hẳn một chương – tức chương thứ 13, với 17 điều khoản để nói về những vấn đề này.
EVFTA đặt ra nguyên tắc chung như: không được loại bỏ hoặc hạ bớt tiêu chuẩn pháp luật, không được vì mục đích thúc đẩy thương mại đầu tư mà mỏi qua các tiêu chuẩn môi trường; Phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, tham vấn đầy đủ khi ban hành các quy định, tiêu chuẩn về lao động, môi trường…
Cụ thể với lao động, Hiệp định nhấn mạnh đến việc thực thi các nghĩa vụ mà Việt Nam và EU đã cam kết với tư cách là thành viên của tổ chức ILO như: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xoá bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em…
Hay với môi tường, EVFTA nhấn mạnh một số yêu cầu như Việt Nam cam kết tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu; khuyến khích hoạt động thương mại các sản phẩm có lợi cho đa dạng sinh học…
"Phát triển bền vững là hài hoà giữa phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu vì con người. Vì vậy ngoài yếu tố chất lượng, giá cả thì đây là thứ được các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực hành", ông Nicolas Audier nhận định.
Việc tuân theo những quy định, chuẩn mực cao về phát triển bền vững, dù còn nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt, nhưng về lâu dài sẽ mang lại những lợi ích cho cả nền kinh tế.
Theo phân tích của ông Christian Ewert, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại nước ngoài (Amfodi), doanh nghiệp Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung cấp cho thị trường thương mại tự do phảm đảm bảo các yếu tố bền vững trong nguồn cung hàng hoá, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ…
"Phát triển bền vững sẽ thúc đẩy hình thành những chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh", ông nhấn mạnh.
Mặt khác, Việt Nam đang được xem là điểm đến mới của sự chuyển dịch đầu tư, đặc biệt trong xu hướng Trung Quốc + 1.
Chỉ số Reshoring Index (đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) do A.T. Kearney công bố gần đây nhấn mạnh các công ty đa quốc gia chắc chắn sẽ rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong số những lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, việc đón dòng vốn mới như thế nào, phát triển kinh tế có bền vững hay không trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của Việt Nam.
Do đó, phát triển bền vững không nên bị nhìn nhận như là gánh nặng. Nó là thách thức nhưng đồng thời mang tính cơ hội thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đổi mới, tối ưu hoá trong sản xuất, kinh doanh. Và EVFTA sẽ là sức ép lớn, ở thời điểm hiện tại, để kinh tế Việt Nam tạo bước đà trong những tiến trình sắp tới.