Hiệp định thương mại tự do với ngành mía đường Việt Nam

12/06/2015 08:24

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngành mía đường là một trong những ngành sản xuất chiến lược của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại ngành mía đường VN vẫn đang đối mặt nhiều thách thức.

(Vietnam Logistics Review) Ngành mía đường là một trong những ngành sản xuất chiến lược của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại ngành mía đường VN vẫn đang đối mặt nhiều thách thức.

Đặc biệt khi VN tham gia nhiều hiệp định khu vực song phương và đa phương về thương mại tự do thì bên cạnh những triển vọng, ngành mía đường VN phải đương đầu với nhiều trở ngại lớn. Nếu các DN VN không chủ động bắt kịp với sự thay đổi thì không chỉ nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị phần “trên sân nhà”, giữ vững cũng rất khó.

NĂNG LỰC CẠNH TRANH NGÀNH MÍA ĐƯỜNG VN

Hiện nay, với diện tích trồng mía cả nước đạt gần 300 nghìn hecta, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm, ngành mía đường VN đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa tăng lượng đường xuất khẩu, góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ngành mía đường đang gặp một số thực trạng như sau:

Về hệ số lợi thế so sánh biểu hiện - RCA, giảm từ 0.58 (2008), chỉ còn 0.43 (2013), hệ số này khá thấp so với các quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới như
Brazil (19), Thái Lan (6.69), Ấn Độ (2.7), Mexico (1.32), cho thấy ngành mía đường năng lực cạnh tranh còn rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh (Theo tính toán của tác giả từ International Trade Center, Market Analysis).

Về chi phí sản xuất: Có thể đánh giá chi phí sản xuất đường tại VN rất cao, làm tăng giá đường xuất khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của ngành.

Chi phí sản xuất đường gồm chi phí cho ngành công nghiệp chế biến và chi phí cho nông nghiệp để tạo nên nguồn mía nguyên liệu. Trong đó, chi phí cho nông nghiệp chiếm tới gần 80% và 60% là chi phí để mua mía nguyên liệu. Nguyên nhân là do ngành mía đường được nhà nước bảo hộ nên các nhà máy buộc phải thực hiện chủ trương mua mía với giá cao để người dân có lãi. Đây cũng là lý do tại sao chi phí sản xuất đường ở VN lại cao hơn những nước khác, 20% còn lại thuộc về chi phí cho dây chuyền sản xuất chế biến, tinh luyện đường, chi phí nguyên nhiên liệu cho hệ thống máy móc, chi phí nhân công, chi phí bao bì... Như vậy, chi phí cho mía nguyên liệu là yếu tố chủ yếu làm cho giá đường của VN tăng cao.

Về giá xuất khẩu

Từ biểu đồ có thể thấy, giá đường XK của VN trong suốt giai đoạn 2008-2013 đều cao hơn giá thế giới từ 30-50 USD/tấn và biến động tăng giảm tương ứng với giá đường của thế giới. Nguyên nhân cho việc giá đường VN cao hơn giá thế giới là do chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với các nước sản xuất đường trên thế giới. Chi phí cao là chủ yếu từ giá mía nguyên liệu cao.

Về thị phần, theo số liệu từ
International Trade Center, thị phần của VN (2008-2013) trên thị trường đường thế giới là cực kỳ nhỏ (năm 2008 là 0.22%, năm 2013 chiếm 0.32%), chiếm khoảng 0,33% trong số 38,04% thuộc nhóm các nước khác (Brazil chiếm 26.98%, Thái Lan 6.26%, Pháp 5.99%, Trung Quốc 2.38%).

TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐẾN NGÀNH MÍA ĐƯỜNG VN

Các hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là thỏa thuận về thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của WTO có hơn 200 Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực. Tính đến nay, VN đã ký 8 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do và đang xúc tiến để ký kết Hiệp định Thương mại với một số nước khác trong thời gian tới. Bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) (1996); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) (2004); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) (2006); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)(2008); Hiệp định Đối tác Kinh tế VN - Nhật Bản
(VJEPA) (2009); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA) (2010); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) (2010); Hiệp định Thương mại tự do VN - Chile (VCFTA) (2012). Hiện nay, VN đang đàm phán TPP, RCEP, FTA với EU, với Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), các nước EFTA và Hàn Quốc.

Có thể thấy bên cạnh những cơ hội mở ra khi hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới như thu hút nhiều hơn về nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý từ các nước đầu tư có FTA với VN,... ngành mía đường VN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, DN VN phải cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn như: Cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà; Hàng rào TBT, SPS (kiểm dịch ở biên giới với TQ); Các biện pháp phòng vệ thương mại (thép ở một số nước ASEAN); Các công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh: thiếu cơ chế hỗ trợ
sử dụng.

Đặc biệt, theo lộ trình hội nhập quốc tế, các nước ASEAN đã đề ra chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) dần cắt giảm thuế quan, loại bỏ các biện pháp bảo hộ và hàng rào thương mại giữa các nước thành viên để hướng đến việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Riêng với ngành đường, thuế suất nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng giảm dần từ năm 2007 là 30%, năm 2008 là 20%, năm 2009 là 10%, năm 2010 đến nay là 5% (với cả đường trắng và đường thô) và từ năm 2015 sẽ về mức 0%.

Vấn đề đặt ra đối với ngành mía đường của VN

Để tiếp tục giữ vững thị phần và mở rộng phát triển, ngành mía đường VN cần phải làm là giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các DN mía đường cần phải tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, chất lượng mía nguyên liệu còn thấp

Những năm gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước và VSSA, người trồng mía có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn mía giống. Diện tích trồng mía chất lượng cao đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, không phải vùng nào trên cả nước cũng có được cơ hội đó nên chất lượng mía mỗi vùng có sự chênh lệch, dẫn tới có những năm sản lượng mía cả nước cao hơn nhiều so với năm trước nhưng lượng đường sản xuất ra thì lại không lớn hơn bao nhiêu. Nguyên nhân là do: Giống mía không được đảm bảo và chậm đến tay người trồng; Thu hoạch và bảo quản chưa đúng kỹ thuật; Quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

Thứ hai, VN còn chưa có nhiều sản phẩm từ đường có giá trị cao

Khả năng của các DN chế biến và xuất khẩu VN hiện chỉ dừng ở việc xuất khẩu chủ yếu mặt hàng đường thô và đường tinh luyện, chiếm đến hơn 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Đa phần các DN sản xuất, chế biến chủ yếu tập trung ở khâu sản xuất đường và tinh chế đường, các phụ phẩm tuy có giá trị cao nhưng vẫn chưa được chú trọng sản xuất dẫn đến hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại không cao. Ngoài các loại đường, các sản phẩm có thể được sản xuất từ cây mía là mật đường, rỉ đường. Những sản phẩm đòi hỏi chế biến sâu và máy ly tâm để sản xuất. Do giá trị máy ly tâm khá lớn, trong khi đó, quy mô vốn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị công nghệ chế biến vẫn còn ở mức thấp, năng lực tài chính của các DN còn hạn chế, không đủ vốn.

Thứ ba, hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh

Đường VN xuất khẩu chủ yếu gián tiếp qua các DN trung gian. Kênh phân phối trực tiếp đến các các DN chế biến, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại nước ngoài hầu như chưa được thiết lập. Sự liên kết yếu kém giữa các DN trong ngành, trong hoạt động điều phối dọc ngành hàng cũng là nguyên nhân không tạo điều kiện cho việc xâm nhập hệ thống phân phối tại các thị trường trên
thế giới.

Thứ tư, đường VN chưa xây dựng được thương hiệu

Thương hiệu đường VN hầu hết đều chưa được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến ngoại trừ thương hiệu đường Biên Hòa đã bước đầu xây dựng được hình ảnh thương hiệu. Các DN VN mới tham gia vào thị trường quốc tế, chưa có nhận thức nhiều về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, và do xuất khẩu chủ yếu qua trung gian bằng các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài. Chính việc chưa xây dựng thương hiệu này làm đường VN bị đánh giá thấp hơn đối thủ, cũng như khó thâm nhập vào thị trường.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định thương mại tự do với ngành mía đường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO