Hỗ trợ gấp doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Báo Tiền phong|06/09/2021 08:32

(VLR) Theo các doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh nông sản trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào thu hoạch quy mô lớn, các bộ, ngành và địa phương cần có chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN, tránh tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và ách tắc như thời gian qua.

Nhiều DN bày tỏ mong muốn các bộ, ngành cần có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ DN; địa phương cần thống nhất quy định về di chuyển

Nhiều DN bày tỏ mong muốn các bộ, ngành cần có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ DN; địa phương cần thống nhất quy định về di chuyển

Hơn nửa triệu tấn nông sản cần được tiêu thụ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 9 các tỉnh phía Nam bước vào vụ thu hoạch trái cây với số lượng lớn, khoảng 406 nghìn tấn cần tiêu thụ. Trong đó, các loại cây ăn quả còn sản lượng lớn như: Thanh long 35 nghìn tấn (tập trung nhiều ở Long An và Tiền Giang); xoài 35 nghìn tấn (tập trung ở Đồng Tháp, Tiền Giang và An Giang); chuối 50 nghìn tấn ( tập trung nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang và Cà Mau); cam 55 nghìn tấn (tập trung ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp); bưởi 40 nghìn tấn (tập trung ở Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre); nhãn 18,5 nghìn tấn (tập trung nhiều ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang); mít 25,3 nghìn tấn (tập trung ở Tiền Giang và Hậu Giang).

Ngoài ra, các tỉnh còn gần 1,5 triệu tấn rau củ cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện việc thu mua và tiêu thụ nông sản vẫn còn chậm, một số thương lái ngưng thu mua, dẫn đến giá bán trái cây thấp. Một số loại nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, song năm nay vẫn đang bí đầu ra.

Mít tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch nhưng bí đầu ra khiến giá rớt xuống thấp

Mít tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch nhưng bí đầu ra khiến giá rớt xuống thấp

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group (TP. HCM) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của công ty tăng trưởng khoảng 15% - 20%. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tháng 8, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công suất hoạt động của DN giảm hơn 50%, dẫn tới doanh thu cũng giảm gần một nửa.

Ông Tùng cho biết, hiện nay các đơn hàng của DN này vẫn rất nhiều, nhất là đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Mỹ…, khách đặt liên tục và tăng đều đặn hàng tháng. Trong bối cảnh nhiều loại nông sản tại các tỉnh ĐBSCL đang đến vụ thu hoạch, nhiều DN cũng mong muốn tăng cường thu mua hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, hiện nay dù các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, song các quy định phòng, chống dịch tại địa phương vẫn bất nhất, khiến hoạt động của DN hết sức khó khăn.

“Ngày hôm qua, chúng tôi có một xe hàng trái cây từ Tiền Giang lên TP. HCM để xuất khẩu. Xe có đầy đủ giấy tờ và tài xế đã được xét nghiệm PCR, đi qua các chốt của các tỉnh bình thường. Thế nhưng khi sắp về đến nhà máy, qua một chốt ở phường, cán bộ phường kiểm tra nói rằng xe chở trái cây không phải mặt hàng thiết yếu, không được đi qua nên giữ xe cả buổi chiều. Sau khi phản ánh đến UBND thành phố, xe hàng mới được di chuyển, nhưng quá thời gian, xe đành phải quay về nhà máy, thiệt hại 30%”, ông Tùng nói.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, sản phẩm đặc thù và chủ lực ở ĐBSCL là trái cây, thủy sản. Nếu đến vụ thu hoạch mà không thu mua, tiêu thụ những mặt hàng này cho nông dân, sẽ gây tổn thất lớn cho họ. Do đó, các địa phương cần xác định có biện pháp linh hoạt, đối phó với dịch bệnh nhưng cũng cần tạo điều kiện khôi phục sản xuất.

Theo ông Nguyên, hiện các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự chạm tới DN. Đơn cử, việc giảm tiền điện cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương chỉ giảm cho DN có doanh thu 1 tỷ USD, nhưng ở Việt Nam, đa phần là DN vừa và nhỏ nên chính sách này dường như không có tác dụng.

“Trong tình hình trái cây, nông sản đang bước vào thu hoạch quy mô lớn, thời điểm quyết định của cả mùa vụ, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN. Chẳng hạn, các đơn vị có thể giảm lãi vay, tăng hạn mức… để DN tiếp cận nguồn vốn, thu mua nông sản. Đặc biệt, các địa phương phải thống nhất các biện pháp về đi lại, luồng xanh, xét nghiệm…tránh tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu gây cản trở kéo dài cho DN ”, ông Nguyên cho hay.

Đảm bảo mục tiêu xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi xuất khẩu nông sản có đà tăng trưởng ấn tượng vào những tháng đầu năm. Bước sang tháng 8, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu toàn ngành.

“Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, bộ đang yêu cầu các cục, tổng cục phụ trách từng lĩnh vực phải xây dựng cụ thể 2 phương án để tiêu thụ nông sản. Kịch bản thứ nhất xây dựng trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam cơ bản được kiểm soát trong tháng 9. Kịch bản thứ hai là trường hợp dịch chưa được kiểm soát, các đơn vị cần đánh giá tổng thể từ nay đến cuối năm, thủy sản, lúa gạo, trái cây… còn tồn dư bao nhiêu, còn bao nhiêu xuất khẩu để đề ra các giải pháp gỡ vướng cụ thể, không thể chung chung như trước được”, Thứ trưởng Tiến cho hay.Theo ông Tiến, trong tháng 8, xuất khẩu nông sản đạt 3,38 tỷ USD. Song, tính cả 8 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn đạt 32,1 tỷ USD, tăng hơn 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn ở đầu ra cho nửa triệu tấn trái cây đến vụ thu hoạch, bộ đang đề nghị các địa phương tăng cường vai trò của các HTX, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản với các đầu mối tiêu thụ trong nước. Trước mắt, khuyến khích người dân tiêu dùng mạnh trái cây trong mùa dịch nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. Ngoài ra, bộ đề xuất xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.

Thanh long Việt bị cạnh tranh gay gắt

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cho biết, ở Việt Nam, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu giá trị lên đến cả tỷ USD của Việt Nam trong những năm qua.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia…

Hiện Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam, đang siết chặt kiểm dịch hoặc đóng biên một vài cửa khẩu. Cùng đó, chi phí vận chuyển tăng cao, nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, khiến xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung đã khó lại càng thêm khó.

Theo ông Phú, tổng diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đến nay đúng bằng diện tích trồng thanh long của Việt Nam thời điểm hiện tại, tạo sức ép cạnh tranh cho thanh long Việt Nam tại cả thị trường Trung Quốc và thế giới. Với công nghệ sản xuất tiên tiến, năng suất và chất lượng của thanh long Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cao hơn của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các địa phương hạn chế tối đa mở rộng diện tích trồng thanh long. Bên cạnh đó, quy hoạch lại vùng trồng để gắn với chất lượng và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng thị trường xuất khẩu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ gấp doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO