Hoàn thiện chuỗi giá trị cà phê Việt Nam

01/01/1970 08:00

(VLR) Cà phê VN đã góp một phần không nhỏ vào phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao VN: Về khối lượng, cà phê VN chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. Điều này cho thấy VN đang nằm phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng cà phê.

Cà phê VN đã góp một phần không nhỏ vào phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao VN: Về khối lượng, cà phê VN chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. Điều này cho thấy VN đang nằm phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng cà phê.

Chuỗi giá trị là một loạt những hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm hay dịch vụ từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi được phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng và bị vứt bỏ sau khi sử dụng. Chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng nông sản là một hệ thống các hoạt động nhằm cung cấp giá trị cho khách hàng. Các hoạt động này bao gồm các khâu từ nghiên cứu triển khai, thiết kế, sản xuất, phân phối và marketing. Các thành phần liên kết chính trong chuỗi giá trị cà phê bao gồm: người trồng, thu gom sơ chế và các cơ sở DN chế biến sản phẩm cà phê. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các thành phần có chức năng hỗ trợ, cung cấp các hàng hóa đầu vào, dịch vụ khoa học công nghệ, thông tin thị trường và tổ chức sản xuất; các nhà cung cấp dịch vụ; các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống cơ quan quản lý và hiệp hội ngành hàng.

CÀ PHÊ VN ĐANG THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRị TOÀN CẦU Ở KHÂU TẠO RA GIÁ TRỊ GIA TĂNG THẤP

Hiện nay, cà phê VN đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất. Có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

1, Tính manh mún của sản xuất nông nghiệp. Trên 80% diện tích cà phê cả nước do các hộ nông dân trực tiếp quản lý diện tích nhỏ, lẻ trung bình từ 0,5-1ha và mang tính tương đối độc lập. Do hình thức tổ chức sản xuất dưới dạng hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ và tương đối độc lập dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao, sản phẩm làm ra không đồng đều và kém ổn định. Người nông dân khó tiếp cận được với những tiến bộ khoa học công nghệ, thị trường cũng như các dịch vụ khác như vay vốn tín dụng, ngân hàng, từ đó dẫn tới việc xây dựng thương hiệu, chứng chỉ chất lượng hàng hóa khó có thể thực hiện được.

2, Mối liên kết, hợp tác giữa các thành phần trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Hiện nay có rất nhiều đại lý thu mua cà phê nhưng lại không thống nhất với nhau về phương thức tiêu thụ và giá cả dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán ngay trên sân nhà. Người dân thường bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để có vốn tái đầu tư, nhiều trường hợp khi giá cà phê tăng cao thì người dân không còn cà phê để bán.

3, Cách thức tổ chức ngành hàng. Các tổ chức của người sản xuất và của các đối tượng khác gần như vắng mặt trong ngành cà phê VN. Hiện nay, ở VN chỉ có Hiệp hội Cà phê Ca cao VICOFA đóng vai trò đại diện cho các DN. Hầu như chưa có tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội công thương liên kết người sản xuất, chế biến và thương mại ở các vùng sản xuất cà phê. Điều này đã hạn chế rất nhiều khả năng liên kết của các đối tượng này.

4, Các chủ trương, chính sách của chính phủ thực hiện không hiệu quả. Mặc dù chính sách tín dụng hiện nay có nhiều điều khoản ưu đãi đối với tất cả các tác nhân tham gia kênh sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê như lãi suất thấp, khoanh nợ, giãn nợ... nhưng tất cả các yếu tố để tiếp cận với chính sách đều chưa tốt. Việc quy định lượng tiền vay không vượt quá một tỷ lệ % nhất định của giá trị tài sản cũng gây nhiều khó khăn cho người có nhu cầu vay vốn. Các thủ tục hành chính của các ngân hàng chưa thông thoáng, gây nhiều khó khăn cho người trồng, các chủ đại lý cũng như DN.

5, Vấn đề về kênh phân phối. Hiện nay, xuất khẩu cà phê VN hầu hết đều phải qua 26 đầu mối và DN nước ngoài chứ chưa tiếp cận được trực tiếp với các nhà rang xay cà phê thế giới. Trong khi đó, ở trong nước có đến 126 DN xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý thu mua. Đây là một nghịch lý khiến các DN xuất khẩu cà phê VN luôn bị động. Thực tế, phần lớn doanh thu (80 tỉ USD/năm) của ngành cà phê toàn cầu đều rơi vào tay các nhà chế biến, rang xay thế giới. Trong khi các nước sản xuất cà phê (trong đó có VN) chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, chừng 11-13 tỉ USD.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ CÀ PHÊ VN

Trước yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, thì việc phải sản xuất vừa bảo đảm yếu tố xã hội vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường trở thành xu thế tất yếu hiện nay.

Cần mở rộng thực hiện các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận.DN xuất khẩu cần phải liên kết với người trồng cà phê xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất cà phê sạch, thân thiện với môi trường, có chứng chỉ như 4C, UTZ Certified, Rainforest Alian, VietGAP. DN xuất khẩu sẽ đầu tư hỗ trợ vốn cho nông dân, cam kết tiêu thụ hết sản lượng cà phê nhân trong từng niên vụ và mua giá cao hơn thị trường.

Việc thành lập ủy ban điều phối ngành hàng cà phê nhằm đề xuất và hoạch định chính sách chiến lược ngành, gồm cả chính sách dự trữ; cung cấp và phổ biến thông tin thị trường; cải tiến thể chế tổ chức ngành hàng. Đặc biệt lưu ý là chiến lược xúc tiến thương mại. Thông qua dự án nghiên cứu nông nghiệp, marketing và dự báo mùa vụ. Thông qua giải pháp cân đối cung cầu cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Đối với các chính sách hỗ trợ DN.DN hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Chính vì vậy, họ không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất. Do vậy, nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực. Về đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất. Khi DN đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.

Theo các chuyên gia, VN nên xây dựng Quỹ cà phê để hỗ trợ ngành hàng, như: chi phí sản xuất (đầu vào, lao động, chi phí máy móc), chi phí thu hoạch, hỗ trợ tạm trữ cho người sản xuất và hợp tác xã (với mức hỗ trợ bằng 50% công suất chế biến của mỗi hợp tác xã. Có thể hỗ trợ mua cà phê với mức hỗ trợ là 50% công suất chế biến; hỗ trợ quảng cáo; hỗ trợ nghiên cứu phát triển ngành cà phê. ...

Đồng thời nênđẩy mạnh mô hình hợp tác công tư(mô hình PPP-Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác đầu tư và thực hiện) sẽ tạo ra một sân chơi để các đối tác (nhà nước, DN, nông dân) cùng tham gia và mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, họ sẽ cùng nhau làm gia tăng giá trị cho cà phê.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chuỗi giá trị cà phê Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO