Đây là lần đầu tiên Tổng cục Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện quan trọng và có quy mô lớn nhất của khu vực Á - Âu trong lĩnh vực hải quan. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị ASEM lần thứ 13 không chỉ là trọng trách của quốc gia thành viên mà còn là một vinh dự lớn, thể hiện sự tin cậy của các cơ quan hải quan ASEM đối với Hải quan Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ 53 đoàn đại biểu là các Tổng Cục trưởng, Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.
Diễn đàn Hợp tác Á - Âu còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) là một diễn đàn liên khu vực được chính thức thành lập vào năm 1996 theo sáng kiến chính trị để tạo dựng mối quan hệ đối tác mới giữa châu Á và châu Âu nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ XXI. Thời gian qua, Diễn đàn đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thân cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu. Vượt qua nhiều rào cản và
khác biệt, ASEM ngày nay trở thành đại gia đình với 53 thành viên.
Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh-kinhtếvàvănhóa-xãhội. Hợp tác hải quan trong Diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh – kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO.
Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa châu Á và châu Âu. Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng hải quan ASEM phê duyệt.
Trong giai đoạn 2018 - 2019, hợp tác hải quan ASEM gồm 4 ưu tiên chính đã được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 năm 2017 tại Đức: (i) Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; (ii) Đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; (iii) Bảo vệ xã hội và môi trường; (iv) Kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay. Do vậy, các nội dung thảo luận của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam cũng sẽ xoay quanh 4 ưu tiên này nhằm mục tiêu đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020 - 2021. Đặc biệt ASEM 13 sẽ tập trung vào sáng kiến của Việt Nam về chiến dịch Hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải.
Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020 - 2021 sẽ bao gồm: (i) Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; (ii) Thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối ( blockchain), (iii) kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao, (iv) chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải, (v) hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, (vi) kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin, (vii) hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và (viii) quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.
Tuyên bố Hạ Long thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch Hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020 - 2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.
Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với quy mô lớn...
Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong Kế hoạch Hành động ASEM 2020 - 2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.