Hợp tác kinh doanh tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

22/11/2017 10:11

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Tại Việt Nam, có đến 90% doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ và vừa (NVV), đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 21% DNNVV của VN liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu. Liên kết hợp tác kinh doanh là giải pháp hữu hiệu giúp các DN nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh.

(Vietnam Logistics Review)Tại Việt Nam, có đến 90% doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ và vừa (NVV), đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 21% DNNVV của VN liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu. Liên kết hợp tác kinh doanh là giải pháp hữu hiệu giúp các DN nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh.

Hợp tác kinh doanh gia tăng sức cạnh tranh

Theo số liệu thống kê tại VN, với tỷ lệ hơn 90% DN có quy mô NVV, đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng quy mô và năng lực hoạt động thực tế thì chỉ có khoảng 21% DNNVV của VN liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Trong tổng số DN tại VN thì có chưa đến 0,1% DN khoa học công nghệ. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN VN chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. DNNVV đa phần làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% là hoạt động sản xuất; có tới 42% DN có doanh thu hằng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% DN hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ đồng.

Các con số trên cho thấy phần lớn các DN VN không chỉ nhỏ và yếu về quy mô, vốn, công nghệ mà còn yếu cả về trình độ quản lý và đặc biệt là tư duy kinh doanh hiện đại nên gặp nhiều rào cản khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong khi các DN nước ngoài có mặt tại VN có sức mạnh và tiềm lực lớn với bề dày cả trăm năm kinh nghiệm thì để tồn tại các DNNVV rất cần đến sự liên kết. Nếu DNNVV không nỗ lực vươn lên, mà vẫn giữ quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì không thể cạnh tranh, định vị được trên thị trường thế giới. Liên kết hợp tác là giải pháp nhanh và hữu hiệu nhất để các DNNVV có thể nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Trong thực tế, hầu hết các DN VN không có tư duy liên kết hợp tác do thiếu kiến thức về kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh quốc tế. Mặc dù vấn đề này đã được đặt ra nhiều lần ở tất cả các hiệp hội, ngành nghề. Tính cộng đồng của DN VN còn yếu, rời rạc trong cả phạm vi các ngành nghề và các địa phương. Sự liên kết giữa các “nhà”, liên kết theo cụm, vùng cũng ở mức thấp. điển hình là các DN gỗ và dệt may đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các DN nước ngoài lại vô cùng nhanh nhạy trong việc kết hợp với các DN nội địa để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, đơn cử như trường hợp hãng Pepsi kết hợp với Kinh Đô; các hãng điện tử như Samsung, LG, Toshiba kết hợp với siêu thị Nguyễn Kim.

Lợi ích từ quan hệ liên kết hợp tác

Để có thể chấp nhận giải pháp liên kết, các DN cần nhận ra các lợi ích từ sự hợp tác trong các quan hệ kinh doanh. Thay đổi quan điểm kinh doanh từ đối đầu sang hợp tác dù ở bất kỳ mức độ nào đều mang lại lợi ích cho DN. Từ bất kỳ vị trí nào trong các giao dịch mua và bán khi hợp tác các DN đều thu được các lợi ích cho mình và cho đối tác liên kết (bảng 1). Chính vì việc hợp tác giúp cho các giao dịch từ quan hệ thắng thua chuyển sang kiểu quan hệ hai bên cùng thắng hay cùng có những lợi ích và tạo ra cơ hội phát triển cho cả các bên tham gia.

Lựa chọn đúng các mối quan hệ liên kết hợp tác

Các quan hệ kinh doanh của một DN được sắp xếp theo một trình tự từ các giao dịch đơn giản (có thể chỉ giao dịch 1 lần hoặc nhiều lần) tới hợp nhất dọc giữa hai tổ chức. (Xem bảng 2)

Việc phân chia các loại quan hệ trong bảng 2 dựa vào hai loại động cơ chính là động cơ thị trường và động cơ cấp bậc. Động cơ thị trường xuất hiện trong trường hợp các bên phối hợp với nhau để duy trì việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ giữa họ. Động cơ cấp bậc tồn tại khi một thực thể sở hữu các nguồn tài nguyên sản xuất và duy trì quyền lực để ảnh hưởng tới các tổ chức khác qua một hệ thống các hoạt động ưu đãi và khuyến khích.

Theo đó, quan hệ giao dịch là mối quan hệ đơn giản và cơ bản nhất do động cơ thị trường chi phối. Đây chính là các giao dịch mua bán truyền thống, các giao dịch sử dụng quy trình thị trường mở để mua sản phẩm tại giá thị trường và thường gặp trong thị trường cạnh tranh nơi có nhiều người mua và bán. Ngay cả khi hai bên đã duy trì hoạt động mua bán với nhau trong thời gian dài với nhiều thương vụ vẫn tồn tại dạng quan hệ này. Đặc điểm của quan hệ giao dịch là người bán đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về sản phẩm và dịch vụ cho tất cả các khách hàng, khách hàng chấp nhận các điều kiện và tiêu chuẩn đã đưa ra và cố gắng thương lượng để đạt được tối đa lợi ích của mình. Kết thúc giao dịch là kết thúc quan hệ kinh doanh.

Trong khi các DN nước ngoài tại VN có sức mạnh và tiềm lực lớn với bề dày cả trăm năm kinh nghiệm, để tồn tại các DNNVV rất cần đến sự liên kết. Nếu DNNVV không nỗ lực vươn lên, mà vẫn giữ quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì không thể cạnh tranh, định vị được trên thị trường thế giới.

Quan hệ liên kết là dạng quan hệ có động cơ kết hợp cả thị trường và cấp bậc, mô tả các mối quan hệ lai. Trong liên kết này, các DN chia sẻ một số lợi ích chung, trao đổi giá trị thông qua các hoạt động mua và bán, thực hiện một số hoạt động điều phối. Có 3 mức độ liên kết là liên kết chia sẻ thông tin đòi hỏi phải chia sẻ thông tin thụ động như là một hoạt động phối hợp, thường là trong thời gian ngắn. Liên kết chia sẻ hoạt động đòi hỏi chia sẻ cả thông tin và hoạt động điều phối trong một vài lĩnh vực như thiết kế sản phẩm, công nghệ thông tin, vận tải hoặc kỹ thuật quảng cáo. Do mục tiêu chung là chia sẻ thông tin và nguồn lực cam kết nên mối quan hệ này thường kéo dài thời gian từ trung bình đến dài hạn. Liên kết chia sẻ mạng lưới mô tả mức độ cam kết lớn nhất của dạng quan hệ lai giữa hai loại động cơ thị trường và phân cấp. Trong đó việc trao đổi giá trị xảy ra chủ yếu thông qua các hợp đồng dài hạn để sử dụng các nguồn lực tài chính và các tài sản khác. Các cam kết chia sẻ các mục tiêu về mặt chuyên môn, tài nguyên và rủi ro ở mức độ cao và phức tạp hơn. Các bên chấp nhận việc sử dụng các tài sản chuyên dụng lẫn nhau để cải thiện mạng lưới cung cấp của họ để phát triển cũng như chấp nhận rủi ro có thể từ các quyết định này. Do đó mối quan hệ sâu sắc cần tới các cam kết dài hạn và cũng tạo ra các lợi ích chiến lược được chia sẻ cho cả hai bên tham gia.

Quan hệ đối tác thuộc về động cơ phân cấp hay là loại quan hệ phát sinh từ quyền sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhất định từ đối tác. Phần vốn chủ sở hữu là cơ sở và phạm vi để chủ sở hữu phối hợp các hoạt động kinh doanh hay kiểm soát đối tác. Các liên doanh, các công ty con và các trường hợp trong đó quyền sở hữu ít hơn 51% là dạng quan hệ này. Lúc này hai công ty sẽ chia sẻ lợi ích vốn cổ phần và không còn là hai thực thể hoàn toàn tách biệt, họ chia sẻ số phận với nhau.

Tích hợp dọc đại diện cho quan hệ phân cấp thuần túy, trong đó một DN sở hữu DN còn lại thông qua hoạt động mua bán sáp nhập để tạo ra một tổ chức kinh doanh mới thống nhất các hoạt động kinh doanh theo một mục tiêu. Tuy nhiên các chi phí mua và sáp nhập thường rất cao và những nỗ lực trong làm cho nền văn hóa giữa các bên tương thích với nhau cũng không nhỏ. Đây là mối quan hệ chặt chẽ và khăng khít nhất khi một bên sẽ trở thành một phần của DN khác

DN cần lựa chọn đúng cho mình loại quan hệ để đạt được các mục tiêu mong muốn. Thông thường các quan hệ giao dịch và liên kết chia sẻ thông tin sử dụng công cụ chính là giá. Còn các liên kết sâu hơn lại dựa vào các công cụ phí giá. Các DN cũng không nhất thiết phải lựa chọn các mối quan hệ từ thấp lên cao và có thể duy trì cùng lúc nhiều dạng quạ hệ với các nhà cung cấp và khách hàng khác nhau tùy thuộc vào tương quan nguồn lực hai bên và các cơ hội thị trường mà các bên cùng tham gia.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác kinh doanh tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO