Hương cao nguyên, phía trời mây xa...

Ngô Đức Hành |21/07/2022 08:43

Làm sao để Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát triển bền vững, tiếp nối giữa lịch sử - hiện tại và tương lai? Làm sao để “Hương cao nguyên còn mãi phía trời mây xa” như nhạc sỹ Nguyễn Cường gửi gắm?

Tôi không phải là tín đồ của café nhưng uống café không ít. Sau này đến với Tây Nguyên, mới biết Đắk Lắk chính là “thủ phủ” của café, không chỉ của Tây Nguyên. Cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây, chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam.

5.jpg
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Internet

Con số ít người biết. Nhưng thử hỏi ai không biết Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột? Buôn Ma Thuột cà phê Festival – cách gọi khác của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, là một lễ hội được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận mang tầm vóc quốc gia, tổ chức định kỳ hai năm một lần. Thử hỏi, ai không biết Đặng Lê Nguyên Vũ, một người gốc Khánh Hòa, nhưng khi mới 8 tuổi, cùng gia đình chuyển lên sinh sống ở huyện miền núi M’drak, để rồi sau này trở thành “Vua café Việt Nam”, (vinh danh của Forbes Asia).

Chỉ với hai dữ liệu ấy thôi đã xác nhận rằng, Đắk Lắk chứ không phải nơi nào khác, chính là “thủ phủ” café Việt Nam.

Đắk Lắk chứ không phải nơi nào khác, xác nhận rằng vùng đất đỏ bazan màu mỡ ở đây, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên. Cao nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Sự khác biệt đó là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột.

Tôi từng đến Đắk Lắk nhiều lần. Hồi đó, sân bay Buôn Ma Thuột chưa được nâng cấp. Dù có lịch sử từ năm 1950, sau khi đất nước thống nhất nhiều lần được cải tạo nhưng phải cuối năm 2011 với việc khánh thành dự án "Xây dựng Nhà ga hành khách mới" và sự phát triển các đội tàu bay của các hãng nhà nước và tư nhân thì cảng hàng không này mới thực sự nhộn nhịp.

Thời tôi đặt chân đến Buôn Ma Thuột, chủ yếu bằng đường bộ, rơi đúng mùa café nở hoa, trắng trời. “Mùa hoa trước đã qua / Mùa hoa sau lại tới / Hương cà phê vẫn tỏa / Trắng ngát cả đồi quê”, (Hoa café, thơ Giáp Việt). Thơ ca, âm nhạc viết về café nhưng chủ yếu ly café, giọt café...nhưng thơ viết về café khi đang trổ hoa còn rất ít. Tôi nghĩ đó là một thiếu sót.

***

6.jpg
Tôi từng đến Đắk Lắk đúng vào mùa café... ra hoa

Năm nay tôi cũng đến Đắk Lắk đúng vào mùa café... ra hoa. Nhưng là lần đầu tiên tôi đến thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh Đồn điền Rossi. Nghe nói ngay từ năm 1925 của thế kỷ trước, người Pháp đã lập 26 đồn điền được thành lập ở khu vực Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích dự kiến khai thác lên đến 200.000 ha.

Đồn điền Rossi, là một trong 18 đồn điền do Toàn quyền Đông Dương lập nên để khai thác thuộc địa, từ năm 1926. Rossi tọa lạc tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, ngay chân cầu Ro-sy, Km175+775 QL29, đoạn qua thị xã mang tên đường Trần Hưng Đạo.

Khi tôi bước vào Di tích này thì trời đã chiều. Chiếc cổng sắt han gỉ, bên trong nhà xưởng vắng lặng. Giữa sân trước của khu vực Đồn điền cũ có hai cháu bé chừng 9- 10 tuổi thả diều. Chỉ có nắng vàng, rộng rãi và thân thiện.

Lách qua chiếc cổng sắt tàn tạ, tôi tiến vào bên trong. Không có gì biểu hiện của cuộc sống, chỉ có lịch sử ẩn dấu sau những căn nhà tưởng như hoang phế kia là trường tồn. Người duy nhất tôi gặp là một người quê gốc Quảng Bình. Anh được giao nhiệm vụ trông coi, bảo vệ.

Nhà ở và làm việc của ông Rossi Rene và ông Destefano - chủ đồn điền, được xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt thép, mái lợp tôn, mặt tiền quay về hướng Đông và có hai tầng. Anh bảo vệ giới thiệu với tôi, tầng trệt được ngăn làm nhiều phòng nhỏ dùng làm kho chứa lương thực, thực phẩm và nhà xe. Tầng một được ngăn thành hai phòng lớn làm nơi ở và làm việc của ông Rossi Rene và ông Destefano.

Bậc lên xuống, hàng lang bong tróc, tường rêu phong cùng gió bụi đại ngàn nhưng cũng đủ nhận ra, ngày xưa người Pháp xây chắc chắn, không có dấu hiệu của ăn bớt, ăn cắp, đánh tráo vật liệu lúc thi công, như bây giờ thường thấy.

Bốn cầu thang dẫn lên tầng một: một cầu thang ở chính diện, hai cầu thang ở hai bên hông nhà và một cầu thang ở mặt sau của ngôi nhà còn có, dù “lở loét”. Nghe nói rằng, ông Rossi là một người tiến bộ, để đảm bảo việc làm ăn được suôn sẻ, ông “bắt tay” khéo léo với các lực lượng, trong đó có cách mạng cho nên mỗi cầu thang của ngôi nhà dẫn tới một phòng đón tiếp khách khác nhau. Đây là nơi sớm hình thành giai cấp công nhân theo Đảng. Thời chống Mỹ, tại Đồn điền Rossi có chi bộ Đảng bí mật, cơ sở cách mạng hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực. Tính đến năm 1975, Đồn điền Rossi cung cấp cho cách mạng hàng trăm tấn gạo và hàng chục tấn muối.

Cách đây gần 3 năm tỉnh Đắk Lắk ban hành công nhận Đồn điền Rossi là Di tích lịch sử cấp tỉnh, theo nghĩa đó, vì đóng góp đó vào dòng chảy lịch sử đất nước.

Đóng góp vào lịch sử đất nước là mồ hôi nước mắt, máu xương của lớp người đi trước, tiêu biểu như các ông Đặng Văn Dậu, Hoàng Xuân Chính, Y Sơr Lap...Được công nhận Di tích lịch sử đã khó, nhưng phát huy giá trị của di tích lịch sử còn khó hơn nhiều. Tôi cứ nghĩ mãi, không phải chỉ khi kéo chiếc cổng sắt rời Đồn điền Rossi.

***

bz8n6tia.jpg
Cây cafe từng đánh thức Tây Nguyên

Những ngày ở nhà chú em tại đường Lê Lai, thị xã Buôn Hồ, nhiều lần tôi vào rẫy, nhiều lần nghe bản nhạc “Ly café Ban Mê” của nhạc sỹ Nguyễn Cường. “Ly cà phê như muốn nói / Nói cùng em câu gì / Ly cà phê như muốn hát / Hát cùng em câu gì” giọng ca đầy nội lực, âm vực rộng của ca sỹ Siu Black cất lên da diết, khắc khoải.

Phải rồi. Café góp phần làm nên thương hiệu Buôn Ma Thuột, thương hiệu Đắk Lắk. Ly café như muốn nói, nói gì? Không chỉ “Hương bay theo làn tóc vẽ tình yêu mong manh” mà trước đó “Hương bay theo làn khói vẽ mùa xuân long lanh”. Café Buôn Ma Thuột góp phần vì mùa xuân quê hương, đất nước. Không chỉ bằng lợi thế của một vùng đất mà cả lịch sử đấu tranh.

Làm sao để Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát triển bền vững, tiếp nối giữa lịch sử - hiện tại và tương lai? Làm sao để “Hương cao nguyên còn mãi phía trời mây xa” như nhạc sỹ Nguyễn Cường gửi gắm trong ca khúc “Ly café Ban Mê”? Đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và ngày mai!

Bài liên quan
  • Phạm Thị Kim Khánh, cứ đan lòng biếc xanh...
    “Cứ đan lòng biếc xanh”, “Cứ thế một màu da diết”, có thể được nhận diện như “tuyên ngôn” về con đường thơ Phạm Thị Kim Khánh. Trước hết phải là mình, gốc rễ phải là nguồn cội.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hương cao nguyên, phía trời mây xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO