Hướng phát triển kho ngoại quan

01/01/1970 08:00

(VLR) Kho ngoại quan như một trung tâm trung chuyển, như một đầu cầu để tiếp cận thị trường trước khi đưa vào thị trường chính thức. Tuy nhiên, vai trò các kho ngoại quan tại VN chưa thật sự được phát huy.

Kho ngoại quan như một trung tâm trung chuyển, như một đầu cầu để tiếp cận thị trường trước khi đưa vào thị trường chính thức. Tuy nhiên, vai trò các kho ngoại quan tại VN chưa thật sự được phát huy.

THỪA MÀ THIẾU

Kho ngoại quan ở VN hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Số lượng các kho ngoại quan trên cả nước không nhỏ, nhưng lại chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của các DN xuất nhập khẩu. Phần lớn các kho ngoại quan đã lạc hậu, các kho được nâng cấp lại từ các cơ sở thì trước đây vốn không phải là kho chứa hàng.

Thực tế, hiện nay nhu cầu về kho ngoại quan được đầu tư các hệ thống hiện đại, có chiều sâu, chất lượng đang gia tăng, đa số đến từ các khách hàng nước ngoài. Nhưng những kho ngoại quan có thể đáp ứng đủ các điều kiện đó thật sự chưa nhiều.

Tận dụng giá dịch vụ 3PL (ngoại trừ giá thuê kho) vẫn còn tốt ở VN, các khách hàng nước ngoài thường thuê kho ngoại quan để làm trung tâm phân phối đối với hàng xuất khẩu nhờ vào tính linh động của loại hình kho này. Đây là cơ hội tốt cho các DN kinh doanh kho ngoại quan có chính sách phát triển bền vững, có khả năng thỏa mãn tốt nhu cầu của khách hàng.

Mặc khác, đây cũng là điều kiện cho các kho “thừa lượng thiếu chất” cải thiện lại mình, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự đồng bộ với xu hướng chung nhằm tạo ra một thị trường kho ngoại quan đồng đều, có tính cạnh tranh nhất định trong khu vực.
Theo thông tin từ Cục Hải quan Bình Dương, địa bàn tập trung nhiều kho ngoại quan nhất ở khu vực phía Nam, từ tháng 9.2012 đến nay, đã có 4 kho ngoại quan trên địa bàn phải thu hẹp diện tích kho, bãi do hoạt động kinh doanh khó khăn.

TRÔNG CHỜ CHÍNH SÁCH

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển hoạt động các kho ngoại quan tại VN (từ năm 2001), đến nay các chính sách về quản lý kho ngoại quan đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động.

Nhận thấy sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực kinh doanh kho ngoại quan và nhu cầu ngày càng cao của thị trường về loại hình này, ngành hải quan đã và đang tập trung cải tiến nhiều vấn đề liên quan đến quy trình giám sát quản lý, từng bước áp dụng CNTT để đơn giản hóa thủ tục. Điều này góp phần nâng cao giá trị dịch vụ của loại hình kho ngoại quan, đồng thời cũng tạo ấn tượng tốt về sự thay đổi tích cực, qua đánh giá của các khách hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước vẫn có một số chính sách hạn chế tầm mở rộng, chức năng của kho ngoại quan. Trước tình trạng nhập siêu, một trong những biện pháp mà Chính phủ đưa ra để cân bằng cán cân thương mại là hạn chế hàng nhập khẩu, trong đó có một số mặt hàng tiêu dùng đặc biệt. Dù vậy, nhu cầu thực đối với các mặt hàng này không thay đổi. Theo ông Phạm Văn Xô, Giám đốc ICD TBS Tân Vạn cho biết, để đối phó với chính sách trên thì các nhà nhập khẩu thay vì lưu trữ hàng ở các kho ngoại quan VN lại tập kết hàng hóa tại các nước lân cận. Khi có cầu về mặt hàng đó tại VN, họ sẽ xuất khẩu sang VN một cách nhanh nhất. Như vậy, Chính phủ không đạt được mục tiêu kiềm chế cán cân thương mại, mà các kho ngoại quan trong nước lại thất thu, ngân sách nhà nước từ đó mất nguồn thu. Đồng thời làm giảm thiểu cơ hội người tiêu dùng VN tiếp cận hàng hóa khi họ cần một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, việc ban hành các quy định, chính sách thỉnh thoảng gây tâm lý hoang mang cho các DN xuất nhập khẩu. Điển hình là Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15.8.2012 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Thông tư này đã gây không ít bàng hoàng cho các DN sản xuất chế biến gỗ cũng như các đơn vị kinh doanh sản phẩm gỗ xuất khẩu, trong đó có không ít đơn vị nước ngoài.

Theo khoản 2 điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15.12.2005 của Chính phủ thì kho ngoại quan chỉ được phép thành lập tại cảng biển quốc tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt khác… Ngoài những khu vực kể trên không được phép thành lập. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Kho ngoại quan Tân Uyên, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải U&I: Đây là một quy định bất hợp lý. Nếu kho ngoại quan được thành lập ngoài các khu vực này đảm bảo các quy định quản lý về hải quan, thuận tiện cho công tác xuất nhập, vận chuyển, giao nhận hàng hóa, đảm bảo các quy định về môi trường thì vẫn tốt hơn là các kho được thành lập tại các khu vực theo quy định mà điều kiện kho bãi lạc hậu, xuống cấp, trang thiết bị thô sơ đang trong tình trạng thiếu vắng khách hàng. Ông Lâm ý kiến thêm, cần thay đổi quy định về địa điểm thành lập, đừng bó hẹp khu vực, miễn sao các kho được thành lập đảm bảo các quy định về quản lý kho, thuận tiện cho việc vận chuyển, giao nhận và xuất nhập hàng.

Và có công bằng không khi chỉ cho phép hàng kinh doanh, tiêu dùng được nhập về kho ngoại quan tại các khu vực cửa khẩu như cảng biển, sân bay… còn kho ngoại quan nội địa thì không?

Trong tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt khi thị trường đang đi xuống như hiện nay, việc tìm đường cho đầu ra của hàng hóa đang là vấn đề khó cho các nhà kinh doanh trong đó có những người thuê kho ngoại quan. Để giảm bớt áp lực về hàng tồn kho, các cấp quản lý nên chăng nới rộng thêm thời gian lưu kho thay vì 18 tháng?

Bên cạnh đó, việc công nghệ hóa hoàn toàn quy trình quản lý giám sát hoạt động kho ngoại quan, áp dụng CNTT vào mọi công đoạn hoạt động kho là điều cần thiết. Nếu làm được điều này các DN kinh doanh kho sẽ tiết giảm được thời gian làm thủ tục hải quan cũng như chi phí quản lý, công tác giám sát quản lý của cán bộ hải quan cũng sẽ chính xác, thuận tiện và nhanh chóng hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hướng phát triển kho ngoại quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO