Tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng
Nhiều vướng mắc
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các CCN, góp phần thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các CCN làng nghề cũng góp phần tích cực trong việc di dời các doanh nghiệp (DN), cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhằm thu hút các DN đầu tư phát triển công nghiệp ở các địa phương. Thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển CCN thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, một số nội dung, quy định của Nghị định không còn phù hợp với quy định mới của pháp luật. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay mới có 905 CCN đã thành lập, trong khi theo Quy hoạch phát triển CCN, đến năm 2020 của cả nước có 1.655 CCN.
Bộ Công Thương đánh giá, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN nhìn chung còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng tại đa số CCN cần nhiều thời gian để giải quyết.
Ngoài ra, việc chấp hành một số nội dung, quy định ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc, như: Các CCN được thành lập, mở rộng theo Nghị định 68 nhưng dự án xây dựng hạ tầng CCN vẫn phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Thậm chí, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt nguyên tắc Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận, thẩm định, đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án vào CCN và các thủ tục hành chính khác liên quan.
Giải pháp tháo gỡ
Trước những vướng mắc, tồn tại trong phát triển các CCN, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp thu hút đầu tư, hướng tới phát triển các CCN đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP, các địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các CCN theo quy định pháp luật. Đến nay, 58/63 địa phương đã ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn; 12/63 địa phương đã ban hành Chương trình riêng hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN do ngân sách địa phương đảm bảo và đa số các địa phương còn lại lồng ghép chính sách hỗ trợ CCN vào chính sách chung của địa phương.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển CCN, tạo mặt bằng cho các DN nhỏ và vừa sản xuất, tăng trưởng. Theo đó, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương, nhằm hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN theo định hướng quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN, về đầu tư theo hướng bổ sung CCN vào Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN vào Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; giao cơ quan đầu mối quản lý CCN ở địa phương (Sở Công Thương) chủ trì, đầu mối trong công tác thẩm định tiếp nhận các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và các dự án thứ cấp vào CCN để trình cấp có thẩm quyền quyết định.