Khai thác du lịch tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây: Cần liên kết

27/09/2017 11:05

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Đi qua 13 tỉnh, thành thuộc 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, hành lang kinh tế Đông - Tây (HLKTĐT) đã trở thành nhịp cầu giao thương thuận lợi nhất bằng đường bộ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn khai thác tiềm năng du lịch nội vùng.

(Vietnam Logistics Review) Đi qua 13 tỉnh, thành thuộc 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, hành lang kinh tế Đông - Tây (HLKTĐT) đã trở thành nhịp cầu giao thương thuận lợi nhất bằng đường bộ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn khai thác tiềm năng du lịch nội vùng.

Mảnh đất màu mỡ chờ “canh tác”

Với sự đa dạng về phong tục tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, địa hình, khí hậu cũng như ẩm thực, ngôn ngữ… các nước trong khu vực HLKTĐT giống như mảnh đất màu mỡ về du lịch nhưng lâu nay vẫn còn “hoang hóa”, đang chờ canh tác. Các nước trên tuyến này có nhiều di sản văn hóa mang đậm bản sắc như di sản Sukhonthai ở miền Bắc Thái Lan, tháp Ing Hang ở Lào. Phía Việt Nam thì có hai di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn… Bên cạnh đó, các di tích lịch sử có niên đại hàng ngàn năm ở Myanmar và Tây Bắc Thái Lan là những điểm đến hấp dẫn.

Với đặc trưng văn hóa vùng miền vừa có sự khác biệt vừa có sự tương đồng như người Lào, người Thái có ngôn ngữ gần giống nhau, cộng đồng người Việt có mặt ở vùng Đông Bắc Thái Lan mang văn hóa dân tộc mình đến nơi cư ngụ… đã tạo nên sự đa dạng cho các sản phẩm điểm đến du lịch.

Đó là chưa kể đến các giá trị sinh thái về núi rừng, sông hồ, đầm phá. Trong đó phải kể đến sông Mê Kông – một trong những con sông lớn nhất thế giới bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia rồi đổ ra biển Đông nước ta, sông Khwai ở Thái Lan. Ở nước ta thì có sông Thạch Hãn, sông Hương, phá Tam Giang, núi Bạch Mã, Hải Vân Quan, khu du lịch Bà Nà và các bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Thuận An, Lăng Cô, Chân Mây, Xuân Thiều, Mỹ Khê, Cửa Đại…

Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện và các dịch vụ du khách được tăng cường, trên tuyến HLKTĐT đã và đang hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách, điều này đã và đang kích thích sự hợp tác kinh tế giữa các nước nằm trên tuyến đường này.

Tiền đề cho phát triển du lịch trên tuyến HLKTĐT

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng, hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc HLKTĐT đã nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế. Đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Nhật. Với sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của hai đối tác này, các công trình lớn trên tuyến HLKTĐT như hầm Đường bộ Hải Vân, cầu Hữu Nghị II nối Savanakhet (Lào) với Mukdahan (Thái Lan) đã được xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các nước trong khu vực.

Sự hình thành HLKTĐT nhằm mục đích đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trên tuyến. Trong đó, một trong những lĩnh vực được quan tâm hợp tác là du lịch. Đặc biệt, với xu thế du lịch nội vùng ngày càng gia tăng thì việc hình thành các hành lang giao thông, theo đó là các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, xuyên lục địa đã và đang tạo ra những điều kiện cơ bản thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng du lịch này.

Cũng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng, phát triển du lịch trên tuyến HLKTĐT đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, các DN, các nhà đầu tư và tài trợ quốc tế. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đóng vai trò tiên phong trong hỗ trợ phát triển du lịch trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nói chung và HLKTĐT nói riêng. Chiến lược phát triển du lịch và các dự án phát triển du lịch bền vững của ADB ở khu vực này đã xác định rõ các mục tiêu nhằm từng bước chuyển đổi các liên kết giao thông đơn thuần thành các mạng lưới kết nối, điểm du lịch thuộc HLKTĐT và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nói chung.

“Cú hích” liên kết - tại sao không?

Mặc dù, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, nhưng trong những năm qua, lượng khách đến với khu vực HLKTĐT còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá của ngành chức năng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự liên kết giữa các quốc gia, các địa phương trên tuyến và cộng đồng DN dịch vụ du lịch chưa được tốt, chưa tạo được nhiều sản phẩm chung, định vị nguồn khách chung và nhất là chưa tìm được tiếng nói chung cho hoạt động xúc tiến.

Để tạo được “cú hích” về tính liên kết, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo, các Tổng cục du lịch, các trung tâm xúc tiến du lịch địa phương. “Với rất nhiều tiềm năng và lợi thế du lịch đường bộ trên tuyến HLKTĐT, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các nước trong khu vực là yếu tố không thể thiếu nếu muốn biến tiềm năng đó trở thành hiện thực”, ThS. Cao Trí Dũng chia sẻ.

Tại hội nghị về “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến HLKTĐT” được tổ chức tại Đà Nẵng vào trung tuần tháng 8.2017, ThS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng cho rằng, trong các mối liên kết, quan trọng hàng đầu là sự liên kết về mặt pháp lý. Theo ông Dũng, dù 4 nước trên tuyến HLKTĐT rất có lợi thế trong việc tạo sản phẩm du lịch đa dạng, nhưng cũng rất khó khăn trong công tác lữ hành do quy định pháp lý của các nước không đồng nhất. Đặc biệt là về phương tiện giao thông. Trong lúc Việt Nam, Lào, Myanmar sử dụng tay lái ô tô bên trái thì Thái Lan lại sử dụng bên phải. Điều này đã gây không ít trở ngại cho du lịch bằng đường bộ. Vì vậy các nước cần có lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp và có quy định pháp lý, tạo điều kiện cho xe tay lái nghịch có thể đi lại giữa các nước trong khu vực.

Ngoài ra, cũng theo ông Cao Trí Dũng, việc liên kết nhằm xác định nguồn khách tiềm năng cũng là một yếu tố quan trọng. Dựa trên đặc điểm và lợi thế của từng nước để “phân nhóm” thành nguồn khách nội vùng (giữa các quốc gia, các địa phương trong khu vực), nguồn khách liên vùng (từ các nước lân cận, trong khối ASEAN) và nguồn khách đến từ các khu vực khác như châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á… Muốn vậy cần đầu tư mạnh mẽ cho công tác tạo sản phẩm vào triển khai xúc tiến, chào bán nguồn khách này. Để thu hút nguồn khách thì sự liên kết quảng bá, xúc tiến cũng cần được triển khai mạnh mẽ giữa các quốc gia thông qua các hình thức như hội chợ du lịch, quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm đặc thù…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khai thác du lịch tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây: Cần liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO