Khó khăn bủa vây, xuất khẩu nông sản đặt mục tiêu 42 tỷ USD

Báo Hải quan|24/12/2019 09:35

(VLR) Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục nhận định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới như: Chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định... Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD.

Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục nhận định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới

Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục nhận định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2019 chiều nay 23/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Năm 2019, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ…

Cụ thể, toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu gồm: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

“Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.

Dù vậy, vị “tư lệnh” ngành cũng thừa nhận còn những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: Kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn.

Ở trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới như: Chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiếp tục tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả lợn Châu Phi cần thời gian dài để xử lý.

Trên cơ sở những phân tích như trên, toàn ngành đặt chỉ tiêu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS khoảng 2,9 - 3,05%; kim ngạch xuất khẩu NLTS trên 42 tỷ USD; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp…

Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Riêng vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định “Ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp”.

Tuy nhiên, thực tế đến nay ngân sách Trung ương, cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ hoặc rất ít để hỗ trợ cho doanh nghiệp; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương có kế hoạch cân đối bố trí nguồn lực thực hiện theo quy định của Nghị định...

4 hạn chế

Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo…

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ giải quyết "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với đánh bắt hải sản còn chậm...

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn bủa vây, xuất khẩu nông sản đặt mục tiêu 42 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO