Khó khăn trong xuất khẩu nông sản ở Hà Giang

VOV|05/05/2020 08:41

(VLR) Dưa phải đổ bỏ cho bò ăn; nhiều container chuối, thanh long không bán được còn phải mất tiền để đổ thải…. đây là thực trạng đang diễn ra tại Hà Giang.

Hàng loạt xe nông sản nằm dài tại cửa khẩu chờ thông quan (Ảnh minh họa: KT)

Hàng loạt xe nông sản nằm dài tại cửa khẩu chờ thông quan (Ảnh minh họa: KT)

Gần 100 tấn chuối với giá trị gần 1 tỷ đồng của Công ty CP Nông lâm nghiệp Hà Giang đã có mặt tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy từ nhiều ngày nay. Phía đối tác thì mòn mỏi chờ hàng, trong khi chuối thì chín trên xe, song hàng vẫn không thể xuất.

Cũng tương tự như vậy, 2 xe chuối của Công ty TNHH 1 thành viên Ngọc Tú đã lên đến cửa khẩu từ nhiều ngày mới được xếp vào bãi kiểm hóa. Như vậy, phải mất gần 1 tuần, 2 xe chuối trên chỉ di chuyển được quãng đường 500m từ bãi kiểm hóa của Hải Quan xuống bãi tập kết để chờ lượt được xuất khẩu.

Tương tự như vậy, gần 7.000 tấn bột sắn của Công ty XNK Thương mại Hải Ngọc đã ùn ứ từ nhiều tuần nay. Hàng được chất thành đống trong kho, thậm chí nhiều ngày hàng được xếp lên xe rồi lại hạ xuống.“Không thông quan được, chờ đến 4 ngày nên hàng bị hỏng. Bây giờ công ty chúng tôi hàng đang vào vụ thu hoạch, sản lượng rất lớn, sản lượng lên tới hàng nghìn tấn/ngày”, chị Hà Thị Thủy, đại diện Công ty CP Nông lâm nghiệp Hà Giang cho biết.

Theo đại diện công ty, nếu như trung bình 1 tháng trong năm ngoái, công ty xuất khẩu được khoảng 7.000 tấn bột sắn thì trong quý 1 năm 2020 con số này chỉ được 1.200 tấn.

“Lượng hàng tồn kho rất nhiều, số hàng lưu thông rất ít. Ngoài vấn đề dịch bệnh chung ra thì công ty còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu”, anh Trương Thanh Tùng, đại diện Công ty XNK Thương mại Hải Ngọc cho hay.

Thực tế, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là điều dễ hiểu và diễn ra tại hầu hết các cửa khẩu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm dịch y tế đã khiến cho thời gian thông quan một xe hàng kéo dài hơn từ 20 đến 30 phút.

Hàng hóa ùn ứ, doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động thiếu việc làm trong khi nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Những điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cần thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, chủ động dự báo tình hình, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cộng đồng trách nhiệm cùng vượt qua khó khăn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong xuất khẩu nông sản ở Hà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO