Kho lạnh thủy sản vào xuân

01/01/1970 08:00

(VLR) Theo quy hoạch của Chính phủ, Đến năm 2020 Vn phấn đấu sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu (XK) khoảng 2 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,5%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7% năm). Sản lượng thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 950.000 tấn với tốc độ tăng trưởng khoảng 3,3%/năm. Để đáp ứng được mục tiêu công suất chế biến thủy sản công nghiệp đạt 2,13 triệu tấn sản phẩm/năm, hệ thống kho lạnh thủy sản phải đạt công suất 1,1 triệu tấn.

BÀI HỌC KHO LẠNH THÁI LAN

XK thủy sản những năm qua luôn nằm trong nhóm những ngành XK hàng đầu, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho đất nước. Tuy nhiên, do chế biến XK manh mún, không có hệ thống kho bãi bảo quản tốt, nên sản phẩm của VN thường bị ép giá.

Nghề nuôi cá tra là một ví dụ. Mặc dù thị trường rất tín nhiệm cá tra VN, nhưng khi các doanh nghiệp nước ngoài ép giá, các đầu mối thu mua của VN không dám thu sản phẩm, vì họ không có hệ thống kho lạnh công suất lớn, dẫn đến cảnh người nông dân cứ nuôi cá trong ao cho đến lúc cá “chết già”.

Cảnh “được sản lượng thì mất doanh thu” cứ diễn ra suốt mấy năm qua, khiến diện tích nuôi trồng thủy sản giảm sút, nhất là diện tích nuôi cá tra và ba sa. Nông dân treo ao rất nhiều.

Hàng trăm công ty chế biến XK thủy sản mọc lên khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng các kho lạnh của những công ty chế biến thủy sản này thường có quy mô nhỏ, chỉ đủ để tạm trữ hàng hóa cho những hợp đồng ngắn hạn với khối lượng khiêm tốn.

Do biến động trên thị trường cùng với việc người dân treo ao, dự đoán tổng kim ngạch XK cả năm chỉ ở mức 5,3 tỷ USD, thấp hơn 700 triệu USD so với kế hoạch.

Những tháng cuối năm, “gió bỗng đổi chiều”, VN lại nhiều cơ hội để đạt được chỉ tiêu XK. Sự kiện xôn xao này, nguyên nhân là do… kho lạnh của Thái Lan bị hư!

6 tháng qua, Thái Lan liên tục bị lũ lụt. Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) cho biết, do thủ đô Bangkok tập trung nhiều kho lạnh thủy sản nên ngành XK thủy sản của Thái Lan bị ảnh hưởng nặng, họ cần thời gian để khôi phục lại hệ thống kho lạnh. Đây chính là cơ hội để ngành thủy sản VN tìm kiếm thêm những đơn hàng XK quan trọng trong mùa xuân 2012.

Trước tình hình thực tế, VASEP tự tin điều chỉnh lại dự báo XK thủy sản năm 2011 từ 5,3 tỷ USD lên mức 5,7 tỷ USD. Thậm chí Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn lạc quan dự báo XK cả năm có thể đạt 6,2 tỷ USD.

KHO TA HAY KHO TÂY?

Nhìn lại ngành kho lạnh VN - vừa vui vừa buồn. Ngành chia làm hai mảng là kho lạnh bảo quản và kho lạnh kinh doanh. Kho lạnh bảo quản là các kho lạnh của công ty, xí nghiệp sản xuất thủy sản, chuyên dùng để lưu kho sản phẩm của chính mình. Công suất mỗi kho chỉ khoảng 2.000 tấn, công nghệ khá lạc hậu.

Hệ thống kho lạnh kinh doanh, ước khoảng 20 doanh nghiệp tham gia tới tổng công suất hiện tại là 200.000 tấn. Các kho lạnh kinh doanh có công suất trên 10.000 tấn/kho, chuyên dùng cho thuê, với đội ngũ chuyên nghiệp và thiết bị tiên tiến.

Kho lạnh kinh doanh là ngành nghề mới ở VN. Những người khai mở và có thể nói là đối thủ nặng ký của các doanh nghiệp VN, không ai khác, chính là các nhà kinh doanh kho lạnh nước ngoài.

Một nhà đầu tư nước ngoài cho biết đầu tư vào kho lạnh vốn lớn, nhưng lãi rất nhanh. Với chi phí ban đầu khoảng 22 triệu USD/kho, họ có thể lấy lại vốn sau 3-5 năm và bắt đầu có lãi những năm sau đó.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Điển hình là hệ thống kho lạnh quy mô của Công ty Lotte Sea Logistics tại Khu Công nghiệp Long Hậu (Long An). Hệ thống kho lạnh của Công ty Preferred Freezer Services - PFS (Mỹ) hoạt động tại Q.7, TP.HCM (Công ty này đã đầu tư xây dựng 2 kho lạnh tại Trung Quốc hoạt động trong năm 2011). Họ dự kiến sẽ đầu tư xây dựng thêm kho lạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn... trong vòng 5 năm tới.

Công ty Swire Cold Storage VN (doanh nghiệp 100% vốn của Anh Quốc) đưa vào hoạt động giai đoạn 5 của hệ thống kho lạnh Swire tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương (tổng vốn đầu tư 25,66 triệu USD), kho có dung lượng khoảng 20.000 tấn. Hệ thống kho lạnh của công ty này có mặt ở khoảng vài chục quốc gia trên thế giới.

Trong tình hình này, các doanh nghiệp của VN không còn cách nào khác là phải đầu tư lớn trong điều kiện lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt!

Công ty Cổ phần Hùng Vương, một trong những cánh chim đầu đàn của ngành thủy sản đã xây dựng kho lạnh với sức chứa 30.000 tấn tại Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc công ty này cho biết: “Không chỉ cạnh tranh về khối lượng, các kho lạnh VN phải chủ động đầu tư để giành được các chứng chỉ kiểm định bảo quản sản phẩm thủy sản toàn cầu, sản phẩm từ các kho lạnh có thể đi thẳng vào các thị trường châu Âu và Mỹ mà không cần qua các khâu kiểm định nào khác nữa”.

Với vị trí đắc địa tại Cảng Hiệp Phước, Công ty TNHH Anpha-AG cũng đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng kho lạnh với diện tích 40.000m2. Toàn bô thiết bị, linh kiện và hệ thống quản lý kho đều theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và do các kỹ sư Hoa Kỳ trực tiếp lắp đặt. Với nhiệt độ âm 250C, được duy trì hết sức ổn định, kho lạnh lớn này đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo quản hàng hóa thủy sản, gia cầm, hoa quả, trái cây, thức uống, thực phẩm đông lạnh, đóng hộp.

Giai đoạn 1, công suất kho đưa vào sử dụng đã đạt 20.000 pallest, tương đương 20.000 tấn. Lãnh đạo Công ty TNHH Anpha-AG nói: “Chúng tôi biến lợi thế về công nghệ và quản lý thành giá cả, nhằm giảm chi phí cho khách hàng, giá cho thuê 0,8 USD/tấn/ngày đối với hàng hóa thủy hải sản là mức giá rất cạnh tranh để thu hút khách hàng trong nước”.

PHÁ BĂNG

Khác với ngành XK lúa gạo được đầu tư hệ thống kho trữ rất lớn, ngành XK thủy sản VN đang phải tự nỗ lực để giành lấy thị trường kho lạnh từ các đối thủ nước ngoài.

Thực tế mà nói, VN chưa có ngành kho lạnh đúng nghĩa, tức là doanh nghiệp chỉ chuyên doanh kho lạnh.

Các công ty Hùng Vương hay Anpha-AG đều đầu tư nuôi trồng chế biến thủy sản. Họ xây kho trước hết để lưu hàng của mình, tránh bị ép giá, khi thừa diện tích, các công ty này mới nhận hàng của các doanh nghiệp khác. Một lý do nữa là các công ty này muốn chủ động khâu kiểm định chất lượng, tạo uy tín cho sản phẩm. Họ còn phải tập trung rất nhiều vào các khâu giống, nuôi trồng, chế biến. Sự đầu tư cho kho lạnh sẽ gặp rất nhiều rủi ro và ảnh hưởng từ hiệu quả trong việc việc XK hải sản của họ.

Để đạt mục tiêu xây dựng hệ thống kho lạnh thủy sản đạt công suất 1,1 triệu tấn, ngoài việc xây dựng một quy hoạch tổng thể hợp lý, VN cần có một chiến lược đầu tư dài hạn vào ngành công nghệ kho lạnh thủy sản.

Nhà nước cần phải có cú hích về đầu tư. Trước hết là đầu tư về vị trí, ưu tiên những địa điểm thuận lợi tại các cảng đang xây dựng để thiết lập các kho lạnh của VN. Giá thuê đất tại các cảng hiện khá cao trong hoàn cảnh các doanh nghiệp thủy sản thường gặp rủi ro trong kinh doanh do thời tiết và dịch bệnh. Ưu đãi về đất đai tại các cảng sẽ giúp hình thành những vùng kho lạnh đủ mạnh để thu hút các nhà nhập khẩu nước ngoài đến với hàng hóa thủy sản VN.

Đầu tư vào kho lạnh thủy sản hiện nay cần đến khoản vốn không nhỏ. Các doanh nghiệp VN đều cho rằng nên xem ngành kho lạnh thủy sản như ngành hậu cần thiết yếu cho mũi nhọn xuất khẩu chiến lược. VN hiện đã XK thủy sản đến 120 quốc gia. Uy tín, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống kho lạnh, nơi kiểm định, bảo quản sản phẩm trước khi cho xuống tàu. Nếu cứ để cho các doanh nghiệp ngành kho lạnh “tự bơi” trong “biển băng giá” của thị trường này, sự yếu thế của các kho lạnh VN trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài là điều tất yếu.

Sự điêu đứng của XK thủy sản Thái Lan do hệ thống kho lạnh bị ảnh hưởng vì lũ lụt năm 2011 đã cho thấy VN cần có cái nhìn tích cực hơn trong việc đầu tư vào hệ thống kho lạnh trong nước, nếu muốn giữ vững vị trí cường quốc XK thủy sản trong năm 2012 và những năm tiếp theo.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kho lạnh thủy sản vào xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO