Khu công nghiệp gắn với cảng biển: xu hướng tất yếu

13/01/2014 10:43

(VLR) Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương, mà còn là một trong những yếu tố phục vụ rất tốt cho dịch vụ hậu cần cảng biển, cho sự phát triển của ngành logistics. Đây là 2 yếu tố hỗ trợ nhau và tạo nên thế mạnh cho những vùng, địa phương mạnh về cảng biển. ở VN, xu hướng KCN gắn với cảng biển phát triển ngày càng rầm rộ và ngày càng phát huy hiệu quả.

Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương, mà còn là một trong những yếu tố phục vụ rất tốt cho dịch vụ hậu cần cảng biển, cho sự phát triển của ngành logistics. Đây là 2 yếu tố hỗ trợ nhau và tạo nên thế mạnh cho những vùng, địa phương mạnh về cảng biển. ở VN, xu hướng KCN gắn với cảng biển phát triển ngày càng rầm rộ và ngày càng phát huy hiệu quả.

MỐI QUAN HỆ GIỮA KCN- CẢNG BIỂN

Thực tiễn phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã cho thấy, đây là một loại hình kinh tế đặc biệt, có tính đặc thù là sử dụng nhiều đất đai, thời gian tồn tại lâu dài, có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội và đặc biệt là môi trường. Quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng, phát triển các KCN phải đảm bảo nguyên tắc tối ưu là phải ở gần sân bay, bến cảng, các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất...; trong các yếu tố này, vị trí của cảng biển là quan trọng nhất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Địa điểm xây dựng các KCN phải được hình thành trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của các vùng, địa phương, lãnh thổ, gắn mục đích phát triển kinh tế của địa phương với chuỗi liên kết kinh tế trong nước và đặt trong mối quan hệ với thương mại thế giới. Việc quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch vùng, ngành gắn với an ninh, quốc phòng, nhằm phát huy tốt lợi thế so sánh và phù hợp với cơ cấu nguồn lao động; sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực, bảo vệ môi trường, đồng thời lấy các KCN làm hạt nhân để hình thành các khu đô thị mới.

KCN GẮN VỚI CẢNG BIỂN: TẤT YẾU CHO SỰ PHÁT TRIỂN LOGISTICS

Ở Hải Phòng, việc xây dựng các khu bến thương mại cho tàu trọng tải lớn tại vùng cửa Lạch Huyện làm đầu mối chính xuất nhập khẩu trên các tuyến biển xa (bằng tàu container 4.000-6.000 TEU; tàu hàng 5-8 vạn tấn) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Bắc, quá cảnh cho vùng Tây Nam Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng công nghệ bốc xếp, quản lý, khai thác đồng bộ hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2030, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện phát triển chủ yếu ở Đông Nam đảo Cát Hải (dọc bờ phải luồng Lạch Huyện) với diện tích khoảng 825ha. Về lâu dài, cảng có thể phát triển sang đảo Cát Bà, vì vậy cần dành diện tích thích hợp sau cảng để hình thành KCN dịch vụ hậu cần sau cảng, trong đó có trung tâm tiếp nhận phân phối container, đầu mối quan trọng của hệ thống logistics. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 ưu tiên các dự án khởi đầu động gồm 2 bến tàu 4.000 TEU, luồng cho tàu 5 vạn DWT và được hỗ trợ bởi mạng lưới cầu đường bộ gắn với mạng giao thông quốc gia về phía Đình Vũ.

KCN - Cảng biển Hải Hà được khởi công xây dựng từ ngày 18.3.2007, tại khu vực Hòn Miều, huyện Hải Hà, Quảng Ninh (lúc bấy giờ là tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - cảng biển Hải Hà). Ngày 23.1.2008 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và bổ sung vào danh mục các KCN của cả nước. KCN này sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp có quy mô hiện đại, làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở giao thương kinh tế với các nước khu vực và quốc tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng Đông Bắc nói chung.

Từ khu kinh tế Vũng Áng theo đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước, theo đường Quốc lộ 8A và 12A kết nối với đường Hồ Chí Minh đi qua Cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo. Đây là tuyến đường ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến các vùng Trung Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, là điều kiện rất thuận lợi cho mở rộng hợp tác phát triển kinh tế khu vực. Từ cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương theo tuyến đường hàng hải quốc tế dễ dàng đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu.

Với mục tiêu phát triển khu kinh tế Vũng Áng theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực như: phát triển ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo động cơ, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp hàng tiêu dùng, điện tử, vật liệu xây dựng,… Là trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước đặt ở khu vực miền Trung với quy mô khoảng 3600MW. Cùng với lợi thế biển nước sâu, không bị bồi lấp, tương đối kín gió và quỹ đất khá lớn (khoảng 1000ha) cho xây dựng cảng và dịch vụ hậu cảng. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương. Ngoài ra với sự phát triển dịch vụ cảng cũng như dịch vụ vận tải biển sẽ tạo thành một cửa ngõ quan trọng ra biển của vùng Bắc Trung bộ, nước bạn Lào, Thái Lan và khu vực.

Đối với tỉnh BR-VT, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư theo quy hoạch với 24 dự án cảng biển đã được đưa vào khai thác, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành toàn bộ hệ thống cảng biển của tỉnh có tổng công suất trên 250 triệu tấn/năm. Để phục vụ hậu cần sau cảng, BR-VT đã thành lập 14 khu công nghiệp với tổng diện tích đất 8.800ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 6.000ha. Và cho đến nay, đã có 9 khu công nghiệp cơ bản đã đầu tư xong hạ tầng, tổng diện tích đất cho thuê khoảng hơn 2.200ha, đạt tỷ lệ 40%... vai trò là trung tâm tiếp nhận, bảo quản, phân phối hàng hóa, đầu mối quan trọng của hệthống logistics, kết nối cảng với mạng giao thông quốc gia trong quá trình phân phối và tiếp nhận hàng. Khối lượng container xuất nhập qua các KCN cung cấp cho các cảng một lượng hàng rất lớn, chiếm khoảng 40-60% tổng khối lượng hàng container thông qua cảng biển. Với một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, toàn bộ lượng hàng này sẽ có thể được đưa trực tiếp về khu cảng Cái Mép - Thị Vải, và là nguồn hàng quan trọng cho phát triển khu cảng này. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các KCN đối với sự phát triển của dịch vụ logistics phục vụ hoạt động cảng biển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp gắn với cảng biển: xu hướng tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO