Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp được giữ vững hàng năm, đóng góp 14% GDP trong năm 2019
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp được giữ vững hàng năm, đóng góp 14% GDP trong năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm nông-lâm-thủy sản mấy năm gần đây đạt mức từ 35 đến 38 tỉ USD.
Có thể nói, ngành nông nghiệp đảm bảo một cách vững chắc nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và cung cấp hàng hóa cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá lại thì sự phát triển trong mấy chục năm qua của ngành chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản mà Việt Nam có điều kiện tự nhiên, nhân lực phát triển hơn so với các nước khác trên thế giới.
Tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, bà Hồng Shurany, một Việt kiều Israel với khát vọng có thể hỗ trợ phát triển cho nền nông nghiệp nước nhà bằng việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, khi bà đưa các chuyên gia người Israel về Việt Nam, họ đã đặt ra cho bà một câu hỏi: Việt Nam của các bạn là đất nước phải phát triển nông nghiệp. Tại sao đến nay vẫn chưa phát triển? Và đó chính là điều bà luôn trăn trở.
Cũng theo bà, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam đã phải đổ bỏ rất nhiều. Thế nhưng nông sản, trái cây của Israel lại có giá hơn, xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn.
Cũng theo bà Hồng Shurany, điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Do đó, bà đưa ra 7 kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh như Israel.Cụ thể:
Thứ nhất, cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra 1 cuộc cách mạng nông nghiệp mới; Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thuế Hải quan, thuế suất mới FTA; Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.
Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.
Thứ ba, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng… Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa. Khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp. Nhất là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều, ví dụ Nhà nước ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa 2 nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam.
Thứ tư, cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản.
Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
Thứ sáu, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa được đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp. Phải tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cho việc vay vốn, thông tin đầu tư, kinh doanh xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu nông sản, lập quỹ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu từ Việt kiều.
Thứ bảy, cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” cản trở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xuất khẩu, không có thang giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logistics, thương mại, xuất khẩu.