Kiến nghị dừng chấm và hủy sơ tuyển nhà thầu các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Trần Trình Lãm|15/07/2019 08:16

(VLR) Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Thường trực Chính phủ, kiến nghị 5 vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó có kiến nghị dừng việc chấm hồ sơ và hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông là dự án lớn với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng

Cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông là dự án lớn với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng

Lý do Hiệp hội này đưa ra là, với cách triển khai như hiện nay các doanh nghiệp trong nước sẽ không có cơ hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu.

Trước đó, tính đến ngày 10/7/2019 các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT đã tổ chức mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho 7/8 dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam theo hình thức công tư (PPP). Gồm các dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Hiện chỉ còn dự án Phan Thiết -Dầu Giây chưa tổ chức sơ tuyển lựa chọn. Có 51 hồ sơ của nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, trong đó 36 hồ sơ của doanh nghiệp, liên danh nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Chỉ có hai nhà đầu tư đến từ Pháp.

Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (công ty mẹ của Công ty TNHH Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, đơn vị tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc từng tham gia nhiều công trình tại Trung Quốc... cũng nộp hồ sơ dự thầu.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm của ngành giao thông, khi triển khai sẽ tác động mạnh đến kinh tế xã hội của các địa phương, tạo nguồn việc làm phong phú. Do đó, có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước quan tâm đến dự án này, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT trên QL1 sẽ chịu ảnh hưởng về lưu lượng khi tuyến cao tốc hoàn thành.

Tuy nhiên qua kết quả mở thầu cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ sơ tuyển khá thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ưu thế về số lượng hồ sơ trong cả 7 dự án thành phần đã mở thầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quy định dự thầu có một số yêu cầu quá khắt khe, không phù hợp với thực tiễn các dự án đã triển khai theo các quy định trước đây nên có ít doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ, đồng thời rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 201 7 -2020 là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Ngoài ra, Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam còn kiến nghị đánh giá lại tổng thể tính cấp thiết và các tác động của 08 dự án thành phần; xem xét chọn một số dự án (khoảng 3-4 dự án) để tổ chức đầu thầu trong nước. Các dự án còn lại để đấu thầu quốc tế.

Đối với các dự án đấu thầu trong nước nên giao cho Bộ KHĐT chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước thành lập một BQLDA độc lập nhằm tổ chức xây dựng lại hồ sơ đấu thầu, tổ chức quản lý dự án và phát hành trái phiếu. Chủ động trong việc triển khai dự án, đồng thời bảo đảm khả năng kiểm soát, xác định nguồn vốn và giải quyết được kịp thời các xung đột có thể xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước làm việc với các Ngân hàng Thương mại để bố trí nguồn vốn để cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận thực hiện dự án. Hoặc hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà thầu trong nước thực hiện (phát hành trái phiếu từng phần). Ưu tiên tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ cho dự án nhằm chia sẻ với các nhà đầu tư và các ngân hàng trong nước, đồng thời phát huy tối đa lợi ích từ đồng vốn trong nước cho các sản phẩm công trình và những người lao động trong nước.

Đối với các dự án đấu thầu quốc tế, giao cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước thành lập một BQLDA mời đại diện các Hiệp hội Hạ tầng giao thông tham gia để giám sát quá trình tố chức xét thầu, ký kết hợp đồng, xử lý tranh chấp, đánh giá chất lượng tiến độ dự án...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị dừng chấm và hủy sơ tuyển nhà thầu các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO