Kinh tế Việt Nam sau cơn “địa chấn” tài chính toàn cầu

28/01/2020 09:50

(VLR) Bước vào thập niên đầu thế kỷ 21, Việt Nam còn nằm trong nhóm nước thu nhập thấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 khiến nền kinh tế nước ta có nhiều lúc thăng trầm. Tuy nhiên, với những cải cách từ bên trong, những chính sách đa phương, đa dạng hóa về kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ được cho là “hàng trăm năm mới có một lần” bùng phát tại Mỹ và lan rộng toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ, thị trường chứng khoán khuynh đảo mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ. “Bong bóng” bất động sản càng lúc càng phình to đã đặt thị trường nhà đất và tiếp đó là tín dụng tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia vào thế điêu đứng.

Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng hỗ trợ tăng trưởng GDP nhưng cũng làm lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam rất cao, khoảng 22,97% vào năm 2008, sau đó giảm dần nhưng tăng trở lại mức hai con số 18,58% vào năm 2011 do tín dụng vẫn tăng mạnh 37,7% vào năm 2009 và 27,6% vào năm 2010. Mức “bơm” tín dụng giảm mạnh, từ năm 2011 còn 10,9% và 8,85% năm 2012 khiến lạm phát những năm sau đó lao dốc và về mức rất thấp 0,63% vào năm 2015…

Từ năm 2013, mức “bơm” tín dụng đã chậm lại nhưng vẫn ở hai con số 13% - 18%, tăng trưởng GDP cũng tăng mạnh mẽ trở lại, luôn trên mức 6,2% (trừ năm 2014 là 5,98%), đạt cao nhất trong 10 năm qua ở mức 7,08% cho năm 2018.

Từ khi chính thức gia nhập WTO, ngày 11/01/2007, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam. Hơn 10 năm, kể từ 2008 được đánh giá là giai đoạn có nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế và tất cả đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với những cải cách từ bên trong, những chính sách đa phương, đa dạng hóa về kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.

Theo thống kê, tính đến tháng 10/2019, Việt Nam đã thu hút 30.136 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 358,53 tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “điểm đến” như Intel, Microsoft, Samsung, LG, Nokia, Canon, Mitsubishi, Toyota, Honda,...

Để tiếp tục phát triển bền vững, theo các chuyên gia, Việt Nam cần những cải cách đột phá, đổi mới bộ máy hành chính Nhà nước; tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và phát triển logistics xanh. Đặc biệt, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cơn “địa chấn” tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công… song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 7%/năm; năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong một thập kỷ qua và thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện đáng kể. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên 2.587 USD năm 2018, khoảng 7.650 USD theo sức mua tương đương. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm XNK, đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 4 năm liên tiếp. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay và cả năm có thể xuất siêu 10 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.

Một kết quả ấn tượng khác là đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Theo thống kê sơ bộ, năm 2019 có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới.

Được xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm 2018, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng 11 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam sau cơn “địa chấn” tài chính toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO