Làm chủ thương hiệu riêng, dệt may Việt tự tin gỡ khó với xuất khẩu online

Thiện Khánh|10/11/2023 11:59

Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba trên thế giới, xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu. Là mũi nhọn xuất khẩu, song hàng chục năm qua, dệt may Việt vẫn tồn tại nhiều thách thức từ việc đầu ra phụ thuộc quá nhiều vào đối tác xuất khẩu, chưa được khách hàng biết đến rộng rãi do hầu hết sản phẩm gia công để xuất khẩu cho thương hiệu bán lẻ nước ngoài, không chủ động được kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.

“Vì sao người Việt có thể sản xuất ra các sản phẩm thời trang chất lượng cao cho thương hiệu nước ngoài mà không thể tự sản xuất và kinh doanh với chính thương hiệu của mình? Làm sao để tạo được giá trị thương hiệu cho dệt may Việt, đảm bảo công việc cho người lao động địa phương? Làm sao để không bị phụ thuộc các đơn đặt hàng sỉ hay chủ động đương đầu với các thay đổi khi chuỗi cung ứng có vấn đề?”. Đây là câu hỏi lớn cách đây gần 20 năm của chị Vũ Thị Thu Thuỷ, nhà sáng lập thương hiệu LAMER FASHION, một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thời trang tại Việt Nam và hiện nay đang phân phối toàn thế giới qua Amazon.

lamer-1.png
Chị Vũ Thị Thu Thuỷ, nhà sáng lập thương hiệu LAMER

Từ cô công nhân may tới người “đánh thức tiềm năng” dệt may quê hương
Lớn lên tại vùng đất Nam Định, cái nôi của ngành dệt may với số lượng lớn người lao động tham gia trong ngành may gia công cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ, xuất hàng đi trong nước và nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản…, chị Thuỷ có cơ hội tiếp xúc và tích luỹ nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong ngành. Từ đây, cô công nhân của một trong số hàng trăm xưởng may gia công tại Nam Định ấp ủ và tìm kiếm cơ hội để tạo dựng thương hiệu dệt may riêng, đánh thức tiềm năng của dệt may quê nhà. Không chỉ là tạo sợi, sản xuất cúc áo, đai quần…, khát khao của chị Thuỷ là tạo ra và giới thiệu đến thị trường những sản phẩm thời trang hoàn chỉnh mang thương hiệu Việt Nam tới khách tiêu dùng trên toàn cầu. LAMER, doanh nghiệp ngành thời trang hướng đến nhóm khách phụ nữ công sở ra đời từ đó.

Thành lập từ năm 2009, LAMER JSC là cơ sở may mặc, sản xuất theo đơn hàng. Năm 2015, LAMER chuyển đổi mô hình F2C - Factory to Customers (tạm dịch: Từ nơi sản xuất đến khách hàng) hướng đến việc quản lý chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến bán lẻ nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, LAMER có 30 cửa hàng khắp cả nước và tại nhiều trung tâm thương mại từ Bắc vào Nam. LAMER sở hữu nhà máy hơn 100 công nhân cùng với mạng lưới xưởng vệ tinh chuyên nghiệp giúp đảm bảo sản lượng sản xuất lên tới hơn 300.000 sản phẩm mỗi năm, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm liên tục được mở rộng, phân phối lợi nhuận và chuẩn bị tài chính trong 24 tháng. Các khâu phân phối, bán lẻ cũng được đầu tư để đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh so với mặt bằng chung. Tạo dựng được một thương hiệu có nền tảng vững chắc trong nước, LAMER tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”.

Tự tin chinh phục quốc tế
Mục tiêu vươn ra thế giới đã lâu nhưng phải đến khi đại dịch COVID-19 nổ ra, động lực tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của LAMER mới càng thêm cháy bỏng. Triết lý F2C – Factory to Customer là yếu tố tiên quyết mà LAMER đặt ra khi tìm kiếm các đối tác kinh doanh để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi biết đến Amazon là một tên tuổi lớn về thương mại điện tử tại thị trường Âu Mỹ với hàng trăm triệu khách hàng sẵn có, và từ đó, chúng tôi quyết định thử nghiệm con đường mới: tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế thông qua Amazon thay vì đi qua những nhà bán lẻ trung gian, dựa trên kinh nghiệm chuyên môn sẵn có, và sự hỗ trợ từ đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam,” chị Vũ Thị Thu Thuỷ, nhà sáng lập thương hiệu LAMER FASHION, cho biết.

lamer-5.png
Thành công của LAMER là nguồn cảm hứng để dệt may Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.

Hoà vào dòng chảy thương mại xuyên biên giới, LAMER không tránh khỏi bỡ ngỡ khi thử nghiệm thâm nhập, định hình chân dung khách mua mục tiêu tại các thị trường quốc tế khó tính như Hoa Kỳ. Thương hiệu tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội ngũ và các công cụ phân tích, khám phá cơ hội sản phẩm, bán hàng của Amazon. Trước tiên, LAMER sử dụng công cụ khám phá sản phẩm của Amazon - Product Opportunity Explorer để xác định sở thích của khách hàng Hoa Kỳ.
Với công cụ này, LAMER quyết định tập trung vào nhóm khách hàng có độ tuổi 30 cũng như đầu tư phát triển các sản phẩm theo phong cách lịch sự, hợp thời trang. LAMER cũng bổ sung thêm nhiều kích cỡ sản phẩm từ XL đến 4XL, phù hợp với kích cỡ của người Hoa Kỳ. Hơn nữa, sản phẩm còn được trang bị dây thun co giãn để đảm bảo độ co dãn tối đa, thiết kế dáng suông, thắt lưng cao hoặc xếp ly để vừa vặn với dáng vóc của người dùng sở tại. Không chỉ vậy, việc bán sản phẩm đến tận tay khách hàng giúp thương hiệu hiểu rõ và tùy chỉnh sản phẩm theo nhu cầu thông qua các phản hồi trực tiếp của người mua. Theo đó, LAMER quyết định tinh gọn danh mục và tối ưu việc đăng tải sản phẩm: không dàn trải mà tập trung vào sản phẩm có biên độ lợi nhuận tốt, được khách hàng đánh giá cao làm chủ lực để đảm bảo màn “chào sân” suôn sẻ. Thông qua Amazon, LAMER cũng tham gia chương trình Đăng ký thương hiệu (Brand Registry) nhằm bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, xây dựng lòng tin và sự gắn bó của khách hàng đối với LAMER.

Một thử thách lớn khi bán hàng toàn cầu là logistics. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu vận hành kinh doanh quốc tế, đội ngũ LAMER quyết định sử dụng FBA – Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon để tối ưu chi phí, giảm thiểu rủi ro hậu cần và tinh gọn bộ máy nhân sự vận hành thương mại điện tử, nhờ đó tập trung vào thế mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm và sản xuất.

Cái bắt tay của LAMER đối với Amazon Global Selling đánh dấu nhiều khởi sắc trong kinh doanh cho thương hiệu. Chỉ trong 9 tháng đầu, thương hiệu Việt đã nhận được hơn 2.000 đơn hàng mới từ khắp nơi trên thế giới. Sau một năm kinh doanh trên Amazon, doanh thu các sản phẩm chủ đạo đã tăng trưởng 250%. Chặng đường dù thử thách song đội ngũ LAMER luôn tìm thấy niềm hạnh phúc, từ chính những công việc hằng ngày, từ sự hài lòng của khách hàng, từ những người lao động địa phương được tạo điều kiện công ăn việc làm, và dệt may Việt dần thoát khỏi cái bóng “sân sau” để tiếp cận trực diện thị trường toàn cầu.

Hành trình từ người công nhân may đến “nữ tướng” đánh thức tiềm năng của quê hương, hay câu chuyện vươn ra thế giới thành công của LAMER sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, tận dụng thương mại điện tử để đưa thương hiệu Việt đi xuyên biên giới.

Bài liên quan
  • Amazon Global Selling Việt Nam giới thiệu loạt công cụ, chương trình, dịch vụ mới.
    Tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2023 ngày 19/10/2023 tổ chức tại TPHCM, Amazon Global Selling Việt Nam giới thiệu loạt công cụ, chương trình, dịch vụ mới và cải tiến nhằm hỗ trợ toàn diện, giúp các đối tác bán hàng bắt đầu và phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu toàn cầu qua Amazon một cách nhanh chóng, đáng tin cậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Làm chủ thương hiệu riêng, dệt may Việt tự tin gỡ khó với xuất khẩu online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO