Infographic: Kim Hoàn
Bài viết dưới đây trao đổi về e-D/O cho các lô hàng FCL của người vận chuyển có tàu (hãng tàu), chưa bàn đến e-D/O cho hàng lẻ (LCL) của người vận chuyển không có tàu (NVOCC) với kho CFS và trả hàng theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Cơ sở pháp lý của giao dịch điện tử, chứng từ điện tử và lệnh giao hàng điện tử (e-d/o)
Bản giấy được xem là văn bản và dùng phổ biến từ trước đến nay. Chứng từ điện tử như e-D/O có được pháp luật công nhận là “văn bản” hay không?
Theo Luật Giao dịch điện tử 2005, Điều 11 (Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu): “Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu” và Điều 12 (Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản): “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”. Khoản 1, Điều 8 Luật Hải quan 2014 (Hiện đại hóa quản lý hải quan) nêu: “... Tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có trách nhiệm tham gia xây dựng, thực hiện giao dịch điện tử và thủ tục hải quan điện tử” và khoản 2 quy định: “Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trao đổi dữ liệu điện tử, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Như vậy, e-D/O được pháp luật Việt Nam công nhận có giá trị như văn bản (bản giấy).
Theo ý kiến của một số chuyên gia, doanh nghiệp, để thực hiện e-D/O cần làm một số việc chính được nêu dưới đây:
Trách nhiệm pháp lý, hợp đồng giữa hãng tàu và cảng trong việc dùng e-d/o
Hãng tàu và cảng phải đồng ý trao đổi dữ liệu điện tử để cảng giao container cho người nhận hàng, cam kết bảo mật và lưu giữ an toàn các tài liệu, thông tin liên quan đến giao nhận container và thông tin, giao dịch của khách hàng, dữ liệu điện tử trao đổi giữa hai bên có giá trị pháp lý như văn bản.
Hãng tàu phải cung cấp dữ liệu điện tử cho cảng, bao gồm: Số lệnh, thời hạn lệnh, mã của người nhận hàng (trong hệ thống của hãng tàu), số vận đơn, tên người nhận hàng, số container, tên tàu, số hiệu chuyến, nhiệt độ (đối với container lạnh), thông tin bổ sung (nếu có), danh sách mã người nhận hàng. Hãng tàu phải thông báo mã của người nhận hàng cho người nhận hàng (để đối chiếu với cảng), thông tin về container, hướng dẫn quy trình nhận hàng. Nếu hãng tàu có lỗi trong việc trao đổi dữ liệu điện tử gây thiệt hại cho cảng và/hoặc người nhận hàng thì phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp bất khả kháng (kể cả tấn công mạng). Hãng tàu và cảng chỉ thực hiện hợp đồng giao nhận container sau khi xác nhận khả năng kết nối, xử lý giữa hệ thống điện tử của hai bên, khả năng vận hành dịch vụ giao nhận container theo quy trình nghiệp vụ được thống nhất giữa hai bên bằng việc ký một văn bản gọi là “Biên bản nghiệm thu”. Cảng có trách nhiệm tiếp nhận dữ liệu điện tử từ hãng tàu, kiểm tra, đối chiếu thông tin, nhận bàn giao container từ tàu, làm phiếu xuất, tổ chức giao nguyên container cho người nhận hàng.
Trách nhiệm pháp lý, hợp đồng giữa cảng và người nhận hàng trong việc dùng e-d/o
Người nhận hàng phải đăng ký sử dụng “lệnh giao hàng điện tử” để làm thủ tục nhận container hàng nhập và số điện thoại nhận OTP (mật khẩu giao dịch một lần), ký hợp đồng với cảng, dùng website chính thức của cảng để giao nhận container, truy vấn thông tin về lô hàng, container đã được đăng ký. Người nhận hàng phải bảo mật tên truy cập, mật khẩu, bảo đảm an toàn và bí mật đối với dữ liệu lệnh giao hàng, mã nhận container (do hãng tàu cấp) và số đăng ký (do cảng cấp), không để lộ cho bên thứ ba, thông báo ngay cho cảng khi mật khẩu bị mất, đánh cắp. Cảng không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do để mất, lộ tên truy cập, mật khẩu, sự kiện bất khả kháng. Người nhận hàng thừa nhận bất cứ truy cập nào bằng tên truy cập do cảng cung cấp đúng với mật khẩu truy cập đều được coi là người nhận hàng truy cập; và hiểu rằng các giao dịch qua mạng internet tiềm ẩn rủi ro, sẵn sàng phối hợp với các bên giải quyết khi có sự cố.
Giải pháp về công nghệ thông tin để thực hiện e-d/o
Các công ty công nghệ thông tin (phần mềm) căn cứ vào hợp đồng về trách nhiệm, nghĩa vụ giao nhận hàng giữa hãng tàu với cảng, giữa cảng với người nhận hàng như trình ở phần trên để xây dựng các phần mềm phù hợp với lệnh giao hàng điện tử (e-D/O) sao cho dễ sử dụng, có tính bảo mật cao, nhanh chóng xác định được trách nhiệm của các bên, nhất là khi có rủi ro về giao hàng sai, dẫn đến tranh chấp về bồi thường thiệt hại.