Suốt ngày “làm bạn” với nắng, với gió và biển khơi, bảo vệ sự an toàn và cấp cứu kịp thời cho du khách tắm biển khi có sự cố xảy ra. Đó là công việc thầm lặng của những cấp cứu viên bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).
Là cửa ngõ hướng ra biển Đông, cận kề trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển các ngành dịch vụ. Bờ biển dài hơn 300km, trong đó hơn một nửa chiều dài là các bãi tắm đẹp, với bờ thoai thoải, nước trong xanh quanh năm đã thu hút hàng triệu lượt khách đến vui chơi nghỉ dưỡng hàng năm. Tuy nhiên, các dòng chảy, hướng gió sẽ tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của du khách nếu không có những cấp cứu viên bờ biển, sẵn sàng cứu hộ khi khẩn cấp.
Năm 2002, BR-VT thành lập 5 ban quản lý các Khu du lịch trực thuộc UBND cấp huyện và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các Sở, ngành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban là tổ chức mạng lưới cứu hộ tại các khu du lịch, cứu vớt và hồi sức kịp thời khi có tai nạn do tắm biển xảy ra… Đến nay, toàn tỉnh BR - VT đã đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cấp cứu viên chuyên trách hùng hậu về chất và lượng, làm việc tại các bãi biển, chưa kể đến lực lượng cấp cứu thủy nạn tại các khu du lịch.
Cuộc sống vốn đa dạng về nghề nghiệp, bạn đã bao giờ nghe nói đến công việc cấp cứu thủy nạn? Hàng ngày, làm bạn với nắng, với gió mắt luôn hướng ra biển, quan sát, tuần tra, theo dõi dòng chảy, cắm cờ báo hiệu, hướng dẫn du khách tắm biển an toàn, cứu hộ và cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp, đó là nhiệm vụ chính của cấp cứu viên.
Để trở thành cấp cứu viên chuyên nghiệp, họ phải có sức khỏe tốt và phải trải qua khóa đào tạo huấn luyện về nghiệp vụ cứu hộ, hàng năm phải liên tục bồi dưỡng kỹ năng, rèn luyện thể lực. Hàng ngày, mặc cho ánh nắng oi ả của mùa hè, làn gió lạnh mùa đông, hay những khi thời tiết thay đổi thất thường, công việc thường nhật của các anh vẫn đều đặn diễn ra từ 5 giờ 30 sáng đến 18giờ. Việc cứu hộ cứu nạn trên biển chủ yếu dựa vào sức người là chính và không phải cứ phát hiện và bơi ra đưa người bị nạn vào là được, trong những trường hợp đặc biệt, nếu không có kinh nghiệm và không nhanh trong việc xử lý tình huống có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân người cứu hộ. Vào những ngày cao điểm du lịch công tác cứu hộ càng khó khăn hơn. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra lực lượng cứu hộ thường xuyên nhắc nhở du khách tắm biển ở nơi an toàn. Đôi khi, lực lượng cứu hộ không nhận được sự hợp tác của một vài du khách. Tuy nhiên, với đạo đức nghề nghiệp họ cương quyết không bỏ mặc du khách và sẵn sàng cấp cứu kịp thời khi phát hiện tín hiệu kêu cứu.
Với tinh thần trách nhiệm của mình, hàng năm lực lượng cứu hộ BR-VT đã kịp thời cứu vớt hàng trăm trường hợp lọt ao xoáy, lật phao hay phao trôi. Có thể nói công việc cứu hộ thật thầm lặng nhưng lại mang một ý nghĩa nhân văn cao cả đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch trong thời gian tắm biển và tạo niềm vui trọn vẹn trong hành trình du lịch của du khách, cũng như góp một điểm sáng vào thương hiệu du lịch biển BR-VT.