Máy may cổ: Khơi gợi những hoài niệm về ngành may mặc thủ công truyền thống

Lâm Giàu - Lê Duân|23/11/2022 13:39

Trong bối cảnh hội nhập, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá càng được trân trọng. Ông Lê Công Hiệp đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn những di sản văn hoá quý báu đó, thông qua việc sưu tập những chiếc máy may cổ, lưu giữ bao ký ức tốt đẹp một thời.

Ngày 22/11/2022, tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An đã diễn ra triển lãm chuyên đề: “Sưu tập máy may cổ của nhà sưu tập Lê Công Hiệp”. Tham dự có ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cùng các ban ngành, đoàn thể, các cán bộ bảo tàng thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ.

picture1.png
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tới tham dự  triển lãm

Bộ sưu tập 200 máy may của nhà sưu tập Lê Công Hiệp gồm nhiều dòng máy đa dạng và phong phú, hàm chứa nhiều thông tin có giá trị vật thể và phi vật thể nghề may mặc truyền thống ở Long An nói riêng và cả nước nói chung. Tại trưng bày lần này, Bảo tàng Long An phối hợp với nhà sưu tập trưng bày 50 máy may, gồm các thương hiệu nổi tiếng như: Singer, Sinco, Brother, .... đều có thời gian sử dụng từ 50 - 100 năm, tình trạng hoạt động tốt, màu sơn sáng bóng, nổi bật với các hoạ tiết hình tháp, hình vương miện, hoa hồng, hoa cúc, con ó, chim đại bàng, sư tử vờn tú cầu....

Máy may đầu tiên được phát minh tại Anh năm 1890, có mặt ở Việt Nam từ 1891-1930, trong một xưởng may đồng phục quân đội tại Hà Nội. Từ đó đến những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, những chiếc máy may dần trở nên phổ biến ở Long An, Nam Bộ. Đến nay các dòng máy này trở nên quý hiếm vì sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc thay bằng những máy may hiện đại giúp tạo nhiều trang phục đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. 

picture2.png
Nhà sưu tập Lê Công Hiệp phát biểu tại triển lãm

Nhà sưu tập Lê Công Hiệp bắt đầu “sự nghiệp” sưu tầm máy may gia đình tình cờ như cách ông đến với nghề may vậy. Được biết, ngày xưa, máy may gia đình là vật dụng quen thuộc của mọi nhà. Nó được xem là tài sản quý của mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng sắm 1-2 chiếc để vừa sử dụng may đồ cho cả nhà, vừa “làm của”, đặc biệt là các gia đình khá giả, giàu có.

picture3.png
Những chiếc máy may được trưng bày tại triển lãm

Tuy nhiên khoảng năm 1998 - 2000, máy may công nghiệp bắt đầu thịnh hành và nhiều gia đình lựa chọn mua đồ may sẵn thay cho tự may tại nhà. Nên máy may được rao bán nhiều. Lúc đầu, ông Hiệp mua về bởi tiếc những chiếc máy chất chứa nhiều kỷ niệm một thời, nhưng sau đó lại thành đam mê.  Từ năm 2003-2008, ông mua hơn 10 chiếc/năm. Mua về là ông bảo dưỡng lại ngay để chống gỉ sét, hư hại. Khi ấy, ông chỉ có suy nghĩ muốn trân trọng và gìn giữ những chiếc máy may cũ, cho chúng được hoạt động để duy trì “sự sống”. Nhưng số lượng cứ tăng dần, ông mới ý thức tới việc sưu tầm. Vậy là ông càng có trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm và giữ gìn giá trị của những chiếc máy may gia đình xưa cũ này.

picture-4-.png
Những chiếc máy may được trưng bày tại triển lãm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

picture5.png
Máy may cũ thành biểu trưng cho nét đẹp văn hoá một thời

Trong bối cảnh hội nhập, việc giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống là việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá bền vững; đồng thời ông Nguyễn Anh Dũng biểu dương và cảm ơn tấm lòng và tinh thần nhiệt huyết của nhà sưu tập Lê Công Hiệp. Bộ sưu tập máy may khơi gợi sự hoài niệm về nghề may mặc thủ công tuyền thống đã gắn bó với thế hệ người Việt, không chỉ là gia sản của nhà sưu tập mà còn là di sản văn hóa quý báu của tỉnh Long An cần được bảo tồn và phát huy. Phát huy và gìn giữ văn hóa dân tộc là nhiệm vụ cấp bách của ngành văn hoá. Chúng ta nên là cầu nối văn hoá giữa các cơ quan và đơn vị văn hoá trong việc giữ gìn văn hoá dân tộc.

Triển lãm diễn ra từ ngày 22/11/2022 đến hết ngày 22/01/2023.

Bài liên quan
  • NSUT Tố Nga và hành trình "Dòng sông đa tình"
    Liveshow "Dòng sông đa tình" không chỉ là kỷ niệm 30 năm ca hát, mà còn ghi nhận một dấu mốc cuộc đời đã có được bình an, ngọt ngào và êm đềm đã giúp chị thăng hoa về nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Máy may cổ: Khơi gợi những hoài niệm về ngành may mặc thủ công truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO