(Vietnam Logistics Review) Ưu điểm nổi bật của mô hình kinh doanh BTO là giúp loại bỏ hàng tồn kho, giảm chi phí logistics, mang đến tính chuyên môn hóa cho từng sản phẩm.
Khái niệm
BTO là viết tắt của cụm từ Build to Order, nghĩa là sản xuất khi có đơn đặt hàng. Hay nói cách khác, các công ty áp dụng mô hình BTO sẽ bắt đầu quá trình sản xuất sau khi nhận được đơn đặt hàng. Mô hình này được xem là mô hình dạng kéo, cụ thể, sau khi đơn hàng được xác nhận thì việc sản xuất sẽ bắt đầu, và kéo theo đó là sự vận động của cả dây chuyền cung ứng.
Mô hình BTO ra đời nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình dạng đẩy, thường được biết đến với tên gọi mô hình MTS – Make to Stock, nghĩa là sản phẩm được sản xuất ra để lưu kho và chờ tiêu thụ dần. MTS khiến các công ty, đặc biệt là các công ty sản xuất lớn với lượng hàng bán ra hàng năm rất nhiều, sẽ phải tốn phí lưu kho, kèm theo đó là các chi phí khác phát sinh như chi phí logistics, phí xếp dỡ, phí bảo hiểm... Mô hình BTO được xem là hình mẫu của sản xuất tinh giản.
Đặc điểm
Lợi thế lớn nhất đối với một chiến lược BTO là tính chuyên môn hóa cho từng sản phẩm. Một khách hàng sẽ đặt hàng một sản phẩm với thông số kỹ thuật nhất định và công ty sẽ sản xuất sản phẩm này đáp ứng các tiêu chí đó của khách hàng.
Chiến lược BTO giúp loại bỏ hàng tồn kho không cần thiết trong nhà kho hoặc trên kệ bán hàng của công ty. Thay vì là một chủ doanh nghiệp với rất nhiều sản phẩm chưa bán được, với BTO, chủ doanh nghiệp không phải lo lắng về việc mất tiền do các mặt hàng tồn kho.
Hạn chế của mô hình BTO là nhiều công ty sẽ chịu áp lực về thời gian sản xuất và thời gian giao hàng khi nhu cầu thị trường quá lớn. Ví dụ: như việc sản xuất các thiết bị khai thác mỏ trong thời kỳ nhiều người đổ xô khai thác mỏ than, vấn đề sẽ xảy ra khi người mua đột ngột hủy bỏ đơn đặt hàng, lúc đó các công ty sản xuất phải rất vất vả và tốn thời gian để tìm kiếm một khách hàng phù hợp cho sản phẩm, trong khi thị trường dành cho nhóm sản phẩm này là rất nhỏ.
Áp dụng BTO đồng nghĩa với việc công ty sẽ có một lượng hàng có sẵn trong kho chờ tiêu thụ rất ít. Do đó, khách hàng sẽ phải chờ một thời gian lâu hơn để có được sản phẩm mong muốn.
Áp dụng
Không phải ngành công nghiệp nào hay sản phẩm nào cũng thích hợp để áp dụng mô hình BTO. Để tiến hành sản xuất theo mô hình BTO, đòi hỏi công ty phải đạt tới trình độ công nghệ thông tin nhất định và đảm bảo chuẩn EDI (EDI là sự chuyển thông tin từ máy tính này sang máy tính khác bằng phương tiện điện tử theo một tiêu chuẩn đã được thỏa thuận về cấu trúc thông tin, ứng dụng này giúp quá trình truyền và xử lý thông tin được thông suốt, nhanh chóng).
Một số ngành công nghiệp chủ đạo hoặc các doanh nghiệp sản xuất có thể áp dụng BTO rất hiệu quả cho một hoặc một số sản phẩm độc quyền hay đặc thù. Những ngành sản xuất hay những sản phẩm phù hợp để áp dụng mô hình BTO như: dòng xe phân khối lớn và xe thể thao, máy bay, các mặt hàng thủ công được làm từ nguyên liệu quý hiếm, sản phẩm tiêu dùng sang trọng làm từ vật liệu đặc thù, trang sức quý giá, dụng cụ y tế và trang thiết bị nghiên cứu...
Điển hình thành công trong ứng dụng mô hình BTO có thể kể đến công ty máy tính Dell. Để nâng cao khả năng sản xuất theo đơn hàng, nâng cao độ chính xác của dự đoán nhu cầu và hiệu quả trong dự trữ để sản xuất, giảm thời gian từ khi đặt hàng đến khi giao hàng đồng thời nâng cao dịch vụ khách hàng, Dell hợp tác với Accenture để xây dựng hệ thống quản trị chuỗi cung ứng. Hiện nay, hệ thống này được sử dụng tại tất cả các nhà máy của Dell trên khắp thế giới cho phép Dell có thể thích nghi với môi trường kinh doanh và công nghệ biến đổi nhanh đồng thời duy trì được hiệu quả hoạt động cao nhất. Dell cũng đã tự động hóa việc lập kế hoạch sản xuất, dự đoán nhu cầu, quản trị kho qua sử dụng công nghệ thông tin và mô hình chuỗi cung ứng điện tử.
Nhờ linh hoạt và nhanh chóng đưa công nghệ vào hoạt động kinh doanh, Dell đã trở thành một trong 5 công ty được đánh giá cao nhất của tạp chí Fortune từ năm 1999. Dell cũng là nhà tài trợ chính cho hoạt động nghiên cứu về thương mại điện tử tại Đại học Texas nằm tại Austin nơi Dell đặt trụ sở chính. Dell cũng tích cực tham gia hàng loạt các chương trình từ thiện và các chương trình hỗ trợ đào tạo tin học, giảm khoảng cách số cho các vùng nông thôn.
Nhờ vào việc áp dụng BTO, Dell không những tiết kiệm chi phí lưu kho mà quan trọng hơn là tăng được tính cá biệt cho các sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.