
Phải chuẩn xuất xứ
Hàng loạt cơ hội và thách thứ từ hai hiệp định thế hệ mới CPTPP và EVFTA đã được các chuyên gia trong ngành thủy sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ với các DN khi giới thiệu chi tiết về 2 hiệp định này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, thủy sản được đánh giá là ngành “nhạy cảm” so với các ngành khác, mức độ mở đối với thủy sản có hạn hẹp hơn. Theo bà Trang, trong tất cả hiệp định thương mại, câu chuyên xuất xứ luôn đồng hành của câu chuyện thuế quan. Trên thực tế, việc đàm phán về quy tắc xuất xứ cũng căng thẳng như đàm phán về thuế quan. Đối với CPTPP có quy tắc riêng về xuất xứ đối với từng nhóm hàng thủy sản. “Tôi ưu đãi thuế cho anh, thì sản phẩm phải là của anh chứ không phải của người khác- đó là vấn đề song hành giữa ưu đãi thuế và xuất xứ hàng hóa được quy định tại các hiệp định”- bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh và cho rằng, nếu vi phạm về chứng nhận xuất xứ thì mức độ xử phạt của nước nhập khẩu rất kinh khủng đối với DN gian lận.
Thách thức đối với DN thủy sản xuất khẩu đó là quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với lợi thế tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với đối tác; cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm... sẽ là cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trước những thách thức về rào cản phi thuế quan, quy định về lao động và môi trường có thể bị kiểm soát tuân thủ chặt chẽ hơn..., đại diện VASEP đã đưa ra các khuyến nghị đối với DN. Theo đó, các DN cần hiểu và áp dụng linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ; tăng cường hợp tác chuỗi nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của DN và sản phẩm xuất khẩu...
Nhiều lợi thế từ hiệp định thương mại tự do mới
Hai hiệp định CPTPP và EVFTA được đánh giá có nhiều quy định cụ thể đối với từng ngành hàng. Riêng EVFTA có quy định riêng về miễn biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật (SPS) đối với hàng hóa XK vào EU. Theo đó, hàng hóa được miễn SPS là các loại hàng hóa được EU cho phép nhập khẩu và được cấp các chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. Danh sách được lập và gửi cho EU và được chấp nhận, DN sẽ được miễn kiểm tra. Tuy nhiên, EU sẵn sàng loại bỏ DN khỏi danh sách này nếu vi phạm, hoặc không đáp ứng các điều kiện của EU đặt ra.
Kiểm tra chuyên ngành cũng sẽ được mở khi thực hiện Hiệp định EVFTA với phương pháp quản lý rủi ro. Theo đó, chỉ kiểm tra đối với hàng hóa rủi ro cao, không kiểm tra toàn bộ hàng hóa như trước đây. Đối tượng áp dụng là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và chuyển khẩu. Đây là nội dung rất thuận lợi đối với DN, khi mà hiện nay vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang là lực cản lớn đối với hàng hóa XNK của DN. Cùng với đó, các DN còn được hưởng lợi thế tạo thuận lợi thương mại về phương pháp xác định trước, như: Xác định trước mã số hàng hóa, trị giá hàng hóa và xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế cũng là một trong những thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK hàng hóa.
Bên cạnh cơ hội về thuế quan, lần đầu tiên Việt Nam được tham gia mua sắm công tại các nước khi các đối tác mở cửa thị trường mua sắm công cho Việt Nam. Việt Nam cam kết mở cửa cho các đối tác cũng theo hướng mở cửa dần đối với các sản phẩm có nguồn gốc thủy sản, thị trường thủy sản nội địa vẫn đang được giữ, chính vì vậy, cùng với mở rộng xuất khẩu, các DN lưu ý giữ thị trường nội địa. Với việc thực hiện CPTPP và EVPTA là cơ hội cho các DN trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến khi thuế suất nhập khẩu của nhóm máy móc thiết bị giảm sâu, nhằm cắt giảm chi phí sản xuất cho DN…