Mỹ thuật trang phục cưới của người Khmer Nam bộ

16/04/2015 14:48

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Việt Nam có 54 dân tộc anh em, điều này đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng của mình nhưng đồng thời cũng mang những giá trị chung hình thành nên bản sắc văn hóa Việt. Trong các dân tộc anh em ấy, dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thu hút vì những nét văn hóa, thẩm mỹ đặc sắc rất riêng. Dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời đã có một kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú về truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười; có một nền sân khấu truyền thống đặc sắc như Dù Kê, Rô Băm; một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Độ vừa có nguồn gốc Đông Nam Á; nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là một di sản đặc sắc nhất của văn hóa Khmer. Bên cạnh đó, cách ăn mặc của người Khmer có những đặc trưng thẩm mỹ rất riêng biệt so với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, và nét đặc trưng này thể hiện rõ nhất trên trang phục cưới. Trang phục cưới người Khmer kết tinh...

(Vietnam Logistics Review) Việt Nam có 54 dân tộc anh em, điều này đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng của mình nhưng đồng thời cũng mang những giá trị chung hình thành nên bản sắc văn hóa Việt. Trong các dân tộc anh em ấy, dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thu hút vì những nét văn hóa, thẩm mỹ đặc sắc rất riêng. Dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời đã có một kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú về truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười; có một nền sân khấu truyền thống đặc sắc như Dù Kê, Rô Băm; một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Độ vừa có nguồn gốc Đông Nam Á; nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là một di sản đặc sắc nhất của văn hóa Khmer. Bên cạnh đó, cách ăn mặc của người Khmer có những đặc trưng thẩm mỹ rất riêng biệt so với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, và nét đặc trưng này thể hiện rõ nhất trên trang phục cưới. Trang phục cưới người Khmer kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và hơn hết là "gu" thẩm mỹ của cả một tộc người, nó độc đáo từ kiểu dáng, màu sắc đến cách trang trí tạo hình, trang phục cưới Khmer luôn mang đến cho cô dâu Khmer ấn tượng lộng lẫy, xinh tươi và khác biệt.

Trong lễ cưới truyền thống, cô dâu Khmer sử dụng hai kiểu trang phục cưới cổ truyền. Kiểu thứ nhất là áo dài bịt tà, tay dài kết hợp xăm-pốt phía dưới, trên cổ đeo yếm được kết hạt cườm, kim sa cầu kỳ, có thể đeo thêm dây thắt lưng và trên đầu không thể thiếu một chiếc mũ trang trí diêm dúa với các bông hoa từ cánh kiến, các tua cườm đủ màu. Kiểu áo dài có một số màu nhưng thường thấy nhất là màu đỏ, đem lại vẻ rực rỡ, nổi bật và tượng trưng cho niềm vui, tuổi trẻ của cô dâu. Loại áo này rất gần gũi với chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Chăm và chỉ có người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng, không thấy ở Khmer Campuchia, khiến người ta nghĩ đến việc người Khmer Nam bộ tiếp thu kiểu áo này từ người Chăm láng giềng. Kiểu thứ hai là kiểu áo ngắn gần vị trí eo, kết hợp với xăm-pốt có xếp li phía trước thân váy. Kiểu này luôn đi kèm thắt lưng kim loại mạ vàng hay bạc với trang trí chạm khắc, khảm đá cầu kỳ tinh xảo làm điểm nhấn ở eo kết hợp với chiếc mũ đội đầu rực rỡ. Đặc biệt, kiểu thứ hai luôn phải có chiếc khăn so-bay choàng xéo qua vai, chiếc khăn này là mảnh vải dài hình chữ nhật, may hai lớp rất khéo léo, đối với chú rể là kiểu trơn chỉ có hoa văn đã dệt sẵn trên vải, đối với cô dâu, là kiểu khăn rất lộng lẫy, được đính kết kim sa trang trí theo các mô típ hình hoa dày đặc trên bề mặt vải tạo cái nhìn lấp lánh, cầu kỳ, tinh xảo thu hút người đối diện. Chiếc khăn này có nguồn gốc từ trang phục vua chúa ngày xưa, đồng thời cách quấn khăn từ vai trái qua sườn phải có nguồn gốc từ trang phục các nhà sư theo Phật giáo Nam tông truyền vào từ Ấn Độ. Cả hai kiểu đều đi kèm với các trang sức vòng cổ, vòng tay, vòng bắp tay sáng lấp loáng. Đối với chú rể, trang phục cưới cổ truyền là kiểu áo cổ trụ, tay dài, cài khuy trước hết hợp với xăm-pốt thẳng hay xăm-pốt chân khen, ở vị trí eo được tạo điểm nhấn bởi dây thắt lưng kim loại giống như trang phục cô dâu. Chú rể có thể khoác thêm bên ngoài áo choàng ren may dạng suông dài qua gối.

Cách tạo dáng trang phục cưới truyền thống của người Khmer cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, đó là cách quấn trang phục, thể hiện trong việc mặc xăm pốt của cả cô dâu và chú rể. Tuy nhiên, cách quấn xăm-pốt của người Khmer có nét đặc trưng khác biệt so với các dân tộc khác ở cách xếp các nếp li ở phía trước, giữa thân váy. Các nếp li này có công dụng giúp người mặc di chuyển dễ dàng, đồng thời còn có tác dụng làm đẹp cho xăm-pốt bằng nhiều cách tạo hình rất độc đáo. Ngoài ra, chính vì được tạo hình bằng cách quấn nên độ dài váy có thể linh động thả buông xuống qua đầu gối tùy theo chiều dài và sở thích của từng thiếu nữ. Bên cạnh đó, cách mặc xăm-pốt chân khen tạo ra hình ảnh như chiếc quần phồng của chú rể cũng là điểm khác biệt, bằng chứng của việc tiếp thu nền văn hóa Ấn Độ xa xưa. Xét về kiểu bóng, bộ nữ phục cưới Khmer truyền thống với kiểu dáng hơi suông rộng, có thể quy về kiểu bóng hình chữ nhật và có chiều hướng biến đổi dần sang kiểu bóng hình chữ S trong các trang phục cải biên vì được may ôm sát ba vòng cơ thể. Những kiểu bóng này tạo vẻ đẹp thanh lịch và uyển chuyển cho cô dâu trong ngày cưới. Thêm nữa, về mặt tỷ lệ, với thắt lưng kim loại ở eo đã chia trang phục làm hai phần, phần áo phía trên bằng khoảng một phần hai phần váy dưới, với tỷ lệ váy gấp đôi áo như vậy sẽ tạo cảm giác chân cô dâu dài hơn, giúp tăng chiều cao cho cô dâu. Chiếc khăn choàng vắt từ sườn phải qua vai trái làm cho phần vai và ngực cô dâu lớn hơn, tạo cảm giác vòng eo được thít chặt với dây lưng kim loại nhỏ hơn. Về tính cân đối, đối với bộ trang phục cưới kiểu mặc áo dài đạt được sự cân đối đối xứng, còn đối với bộ áo ngắn kết hợp so-bay hở một bên vai thì bố cục trang phục lệch sang vai trái. Chính bố cục lệch này đã tạo nên cái nhìn khác biệt và hấp dẫn đối với trang phục cưới Khmer so với các dân tộc khác. Kiểu choàng xéo vai cho ta liên tưởng đến các ngôi vị cao nhất trong các cuộc thi sắc đẹp.

Chất liệu để tạo nên bộ trang phục cưới Khmer bao gồm chất liệu vải và chất liệu đính kết trang trí. Chất liệu vải là các mảnh lụa thổ cẩm có dệt sợi kim tuyến sáng bóng với hoa văn rất đẹp. Nếu như các dân tộc ở phía Bắc thường dệt vải thô trước, sau đó mới ghép vải, thêu hay vẽ để tạo hoa văn, thì dân tộc Khmer lại tạo hoa văn trong quá trình dệt bằng cách thắt và nhuộm sợi dọc và sợi ngang trước khi dệt. Kỹ thuật này rất công phu, đòi hỏi người dệt phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Trước khi nhuộm tơ, người thợ dệt phải định hình sẵn trong đầu những mẫu hoa văn dự định dệt rồi mới mắc những lọn tơ thành mành treo trên cột nhà để phân phối màu sắc, nhuộm bao nhiều màu thì phải đánh dấu bấy nhiêu đoạn sợi. Tiếp theo, họ sẽ nhuộm tuần tự từng màu trên các lọn sợi dọc và sợi ngang bằng cách dùng mảnh ny-lon buộc kín thành từng khúc. Nhuộm xong màu nào, lấy ny-lon bó đoạn đó lại và tiếp tục mở đoạn khác ra để nhuộm màu khác. Sau khi nhuộm xong, ta quan sát các lọn sợi sẽ thấy các màu hiển thị theo từng khúc, màu này nối tiếp màu kia, màu này dài hơn hay ngắn hơn màu kia, tùy vào đồ án hoa văn được tính toán trước đó (Hình 3.3). Công đoạn nhuộm tơ đôi khi mất cả tháng mới xong. Gia công các bó sợi xong, họ lại mắc lên khung để dệt. Chất liệu trang trí phổ biến nhất là các hạt cườm, nhựa, kim sa, bên cạnh đó còn có chất liệu đồng thau, vàng bạc, đá quý nhưng được sử dụng ít hơn, tùy theo hoàn cảnh giàu nghèo. Các chất liệu này được đính kết trên nền vải bằng đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của người phụ nữ Khmer đã tạo ra rất nhiều mô típ hoa văn xinh đẹp, lộng lẫy. Cách đính kết trang trí dày đặc theo kiểu mảng lớn trên trang phục đã tạo nên hiệu ứng độc đáo làm thay đổi kết cấu bề mặt vải. Đây cũng chính là nét đặc trưng trang trí trên trang phục cưới của người Khmer so với các dân tộc khác.

Màu sắc trên trang phục cưới người Khmer là sự thể hiện nhân sinh quan của tộc người. Người Khmer tiếp nhận trước hết ảnh hưởng của văn hóa Bà la môn, tiếp đến là văn hóa Phật giáo từ Ấn độ và Phật giáo Khmer từ Campuchia khá đậm nét. Chính vì thế, màu vàng rất được họ ưa dùng. Màu vàng gợi không khí hội hè, đồng thời cũng là sắc màu trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống thường gặp trong ngôi chùa Phật giáo. Bên cạnh màu vàng là màu chủ đạo, màu đỏ thường được dùng làm màu vải nền trong rất nhiều các bộ trang phục cưới không những ở dân tộc Khmer mà còn ở rất nhiều dân tộc khác. Vì màu đỏ là màu của sự hạnh phúc, nồng ấm, màu của sự khởi đầu và cũng là màu sắc tượng trưng cho phụ nữ (nam xanh, nữ đỏ). Màu sắc trên trang phục cưới người Khmer sử dụng là các màu mạnh, chói, nguyên chất như màu vàng, màu cam, đỏ, xanh, tím, hồng cánh sen,… và nhất thiết trong bộ trang phục cưới luôn có màu vàng. Màu vàng được sử dụng như một màu chính, hay màu phối, hay ở các chi tiết trang trí kim sa, trang sức. Cách xử lí màu sắc trên trang phục cưới người Khmer khá tinh tế và khác biệt. Các màu sắc được phối trên trang phục không tập trung ở một chỗ như các dân tộc khác, mà rải đều trên cả bộ trang phục từ áo, váy, đến khăn choàng vai và các trang sức đi kèm. Cách phối màu như vậy đã tạo sự hài hòa, tone sur tone cho cả bộ trang phục. Không những thế, với cách phân bố màu sắc ẩn hiện, đan xen đều đặn trên cả bộ trang phục đã làm cho các màu sắc rực rỡ hòa quyện vào nhau như một mảng chất liệu đồng bộ từ trên xuống dưới.

Không chỉ sống động về màu sắc, mô típ hoa văn trên trang phục cưới người Khmer Nam bộ rất đẹp và phản ánh thế giới quan sâu sắc của họ. Hoa văn trên trang phục cưới gồm hai dạng, dạng hoa văn được tạo ra trong quá trình dệt vải bằng kỹ thuật ikat với sợi bông, tơ tằm nhuộm, chỉ kim tuyến và dạng hoa văn được đính, kết tạo dáng trên trang phục. Độ bóng của vải dệt cộng hưởng với sự lấp lánh ánh sáng của các hạt kim sa tạo nên hình ảnh rất lộng lẫy, rực rỡ và xa hoa cho cô dâu khi khoác lên mình bộ trang phục cưới. Đa số các hoa văn đính, kết có hình dáng bông hoa, khi thì dạng nhánh hoa, khi thì các bông hoa kết xen kẽ tạo thành mảng lớn như một vườn hoa khoe sắc với ý nghĩa vẻ đẹp cô dâu như là một đóa hoa rực rỡ và thể hiện sự hòa hợp của con người với thiên nhiên. Mô típ đặc trưng nhất đó là hoa vuông bốn cánh, tám cánh. Bố cục hoa văn trên trang phục cưới Khmer hầu như không có điểm nhấn, phân bố dày đặc trên trang phục, sự phân cắt các hoa văn thường ở dạng dải hình chữ nhật này nối tiếp dải hình chữ nhật kia theo chiều dọc tạo thành nhịp điệu hoa văn đẹp mắt. Mặc dù được đính kết nhiều hoa văn khác nhau với mật độ dày đặc nhưng do cấu trúc hoa văn và màu sắc hòa hợp với chất liệu vải nên nhìn không bị rối mắt như các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc khác.

Người Khmer quan niệm rằng, cưới vợ giống như có được một cô tiên, chính vì thế từ cách ăn mặc đến lối phục sức đều thể hiện quan điểm này. Cô tiên trong những câu chuyện cổ tích luôn đẹp từ đầu đến chân, bên cạnh trang phục đẹp, trên đầu còn có kiểu tóc và trang sức lộng lẫy. Một loại trang sức rất đặc biệt trong trang phục cưới là chiếc mũ đội đầu cô dâu. Đó là chiếc mũ cưới quý phái hình tháp nhọn ba tầng trang trí lộng lẫy, được làm bằng kim loại hoặc giấy bồi cứng. Chiếc mũ này được trang trí rực rỡ bởi các hạt ngọc trai, hạt xoàn nhân tạo, những bông hoa nhôm, thêu hoa cườm lấp lánh đủ màu sắc và chung quanh mũ kết các chiếc cánh của con kim quýt. Trên mũ cắm tua tủa các cây trâm gắn bông hoa tròn đủ màu như một rừng hoa khoe sắc. Điều này có ý nghĩa tượng trưng cho tuổi trẻ của cô dâu tươi đẹp như mùa xuân và cô dâu là một đóa hoa rực rỡ nhất trong ngày cưới của mình.

Trang phục cưới dân tộc Khmer Nam bộ thực sự là di sản văn hóa rất có giá trị. Giá trị thẩm mỹ trang phục cưới dân tộc Khmer độc đáo về kiểu dáng, hình khối, màu sắc và rất hàm xúc về biểu tượng có giá trị nhân văn cao. Các giá trị về tạo dáng trang phục, chế tác nguyên liệu dệt nhuộm, kỹ thuật cắt may, trang trí hoa văn họa tiết, bố cục đường nét, màu sắc hình khối trên vải, trên trang phục, trang sức là kết tinh tích tụ của những tri thức dân gian bản địa Khmer độc đáo. Trong bối cảnh của văn hoá Khmer truyền thống, kiểu dáng màu sắc của trang phục như mang theo một bằng chứng văn hoá, một tư duy thẩm mỹ, thể hiện sự sinh động của cuộc sống và tín ngưỡng tôn giáo. Khi bắt gặp hình ảnh những bộ trang phục cưới Khmer lộng lẫy, sống động với những màu sắc rực rỡ cũng chính là lúc bắt gặp sự sống, tư duy thẩm mỹ bản địa độc đáo và nét tâm hồn phong phú của người Khmer Nam bộ.

Th.S. Lê Thùy Trang

Giảng viên Khoa Công nghệ May và Thời trang

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật trang phục cưới của người Khmer Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO