Nâng cao vị thế Hải quan Việt Nam

Nhịp sống kinh tế|07/10/2019 08:37

(VLR) ASEM 13 có quy mô lớn, với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức hải quan Thế giới (WCO), Liên minh châu Âu và đại diện các đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn Hợp tác Á Âu lần thứ 13 (ASEM 13) ngày 3/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, ASEM 13 diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/10/2019 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh là cơ hội để Hải quan Việt Nam nâng cao vị thế...

Ông Mai Xuân Thành cho rằng, ASEM 13 khẳng định sự chủ động của Hải quan Việt Nam trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á – Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi…

Kế hoạch hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020 – 2021, dự kiến 8 mục tiêu gồm: tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao; chiến dịch Hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin; hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải; quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

ASEM 13 có quy mô lớn, với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức hải quan Thế giới (WCO), Liên minh châu Âu và đại diện các đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam. Đến nay, công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá sự kiện gắn với quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế đang được Tổng cục Hải quan triển khai đồng bộ.

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ mục tiêu diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm: chính trị, an ninh – kinh tế và văn hóa xã hội. Trong đó, hợp tác hải quan nằm trong tiến trình đối thoại an ninh – kinh tế, với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO. Hội nghị ASEM được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa châu Á và châu Âu.

Tại ASEM 12 (năm 2017 diễn ra tại Đức), các tổng cục trưởng hải quan đã thông qua 4 ưu tiên trong hợp tác hải quan giai đoạn 2018 – 2019: tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ xã hội và môi trường; kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay. Vì vậy, các nội dung thảo luận của ASEM 13 cũng sẽ xoay quanh 4 ưu tiên này, nhằm đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020 – 2021. Ngăn chặn rác phế liệu và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tại cuộc họp báo, ông Mai Xuân Thành đã trả lời các vấn đề được phóng viên báo chí quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến: việc ngăn chặn rác phế liệu; đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; quản lý hải quan đối với thương mại điện tử; sáng kiến của Hải quan Việt Nam đưa ra tại ASEM 13.

Ông Mai Xuân Thành cho hay, đối với ngăn chặn rác phế liệu, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, cơ quan hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Đến nay, gần như 100% lô hàng phế liệu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan hải quan ngăn chặn không cho cập cảng, hạ bãi. Cơ quan hải quan đang theo dõi sát sao hoạt động chống nhập khẩu rác phế liệu của các nước; rà soát, đánh giá, phân tích pháp luật Việt Nam và quốc tế để có biện pháp ngăn chặn và buộc tái xuất hàng hóa vi phạm.

Cũng theo ông Mai Xuân Thành, hiện nay cơ quan hải quan đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp về dự án, cũng như nghị định và quyết định của Chính phủ về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Về sáng kiến của Việt Nam tại ASEM 13, bà Nga cho biết, Hải quan Việt Nam đã đề xuất hội nghị tập trung vào chủ đề chiến dịch Hải quan xanh, nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải. Về đấu tranh chống hàng giả, Hải quan Việt Nam tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn với Cơ quan chống hàng giả châu Âu (OLAF).


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vị thế Hải quan Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO