Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (áo trắng) báo cáo về tình hình hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp - Ảnh: VGP
Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Đây là nhận định của nhóm chuyên gia kinh tế HSBC trong báo cáo Vietnam At A Glance định kỳ tháng 9-2021 vừa được phát hành ngày 10-9.
Báo cáo cho rằng, tác động của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4-2020. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu.
Trong đó, chỉ số PMI (chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất) tháng 8 giảm xuống 40,2, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, với các chỉ số chính cho thấy viễn cảnh ảm đạm về khả năng phục hồi.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm khá sâu sau khi tăng trưởng vững vàng 12% trong 6 tháng đầu năm nay.
Tại TP.HCM, sản xuất công nghiệp đã sụt giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái, với ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Khó khăn dễ thấy nhất rơi vào ngành da giày và dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa, ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu trong tháng 8, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tác động đối với xuất khẩu điện tử lại có xu hướng ngược lại.
Xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra.
Nguyên nhân sâu xa chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử. Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại hai nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường.
Thậm chí tỉnh Thái Nguyên còn nằm trong số 10 tỉnh thành không có ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 14 ngày vừa qua. Nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM mặc dù đã sắp xếp mô hình "3 tại chỗ" cho công nhân, nhưng chỉ hoạt động được 30-40% công suất.
Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.
Tuy vậy, theo nhóm nghiên cứu, bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Cụ thể, các nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung đã chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc.
LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỉ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu lên 13-14 triệu đơn vị.
"Nếu càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch COVID-19 thứ tư, Việt Nam càng nhanh lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, và phần quyết định trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm phòng", các chuyên gia HSBC nhận định.
Lúc này trọng tâm ưu tiên với các nhà làm chính sách bây giờ chính là đảm bảo nguồn cung vắc xin phải đa dạng và tăng tiến độ triển khai tiêm phòng. Đặc biệt, việc triển khai tiêm mũi 2 cho người dân hết sức quan trọng vì hiện nay mới chỉ 3% dân số Việt Nam tiêm đủ 2 mũi.