Ngành Dệt may và cơ hội bứt phá

Anh Huy|13/08/2018 08:10

(VLR) Việt Nam hiện là một trong năm nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp (DN) dệt may VN đã xuất khẩu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017. Có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có váy, quần áo trẻ em, vải, quần sooc…

Trên đà phát triển

Đầu năm đến nay, tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đơn đặt hàng rất ổn định. Thông thường, những năm trước chỉ nhận được đơn hàng xuất khẩu trước khoảng 3 tháng. Nhưng ngay từ tháng 12.2017, đơn hàng của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã đặt đến hết tháng 8.2018. Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, điều này thể hiện ở số lượng các đơn hàng tiếp tục gia tăng và xuất khẩu dệt may vẫn đạt giá trị cao.

Có thể thấy rõ, thuận lợi vẫn là xu hướng chung của ngành dệt may Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, về dài hạn, ngành dệt may phải đối mặt với những khó khăn. Đó là chủ yếu tập trung vào gia công các công đoạn, trong khi việc đảm bảo nguyên phụ liệu như sợi, vải, dệt nhuộm vẫn còn yếu ở khâu tiếp thị sản phẩm, nhưng đây lại là khâu đem lại giá trị cao cho sản phẩm dệt may. Cùng với đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng khi lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước tăng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các DN thuộc ngành dệt may có xu hướng đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động.

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần đầu tư một cách bài bản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thì cần có sự liên kết chặt chẽ với các thị trường tham gia FTA có nhiều ưu đãi lớn. Ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các DN nội địa Việt Nam cũng đã phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới nổi như Trung Quốc, Nga...

Dù chưa có hiệu lực, nhưng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 sang khối tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tăng trưởng mạnh, đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 23%. Theo đó, thị trường EU tăng 13,2%, Hàn Quốc tăng 27%, Trung Quốc tăng gần 50%... Kim ngạch xuất khẩu gia tăng ở nhiều mặt hàng chính và thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất, đạt trên 6,3 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD trong năm 2018, ngành dệt may Việt Nam cần có chiến lược phát triển và đầu tư bài bản để đạt được kết quả như kỳ vọng. Năm 2017, ngành dệt may VN đã có đột phá với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng 16,49% trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tạo cơ sở vững chắc để dệt may VN đạt mục tiêu xuất khẩu. Với thành tích này, dệt may có thể tiếp tục là ngành thu ngoại tệ nhiều thứ hai về cho VN, sau nhóm hàng các thiết bị di động (chủ yếu từ các nhà máy của Samsung).

VN là quốc gia có quy mô thứ hai về xuất khẩu dệt may vào Mỹ, sau Trung Quốc. Do vậy, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may VN. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng khoảng 8 – 10%, ước đạt trên 13 tỷ USD, chiếm trên 38% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Cơ hội bứt phá

Theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành dệt may VN có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc “từ sợi trở đi”. Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết FTA VN - EU (EVFTA) trong năm 2018, sẽ giúp ngành dệt may VN tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.

Thời gian qua, các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ giúp ngành dệt may đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu hụt. Trước đây, các DN hầu hết phải nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất. Nhưng hiện nay, mỗi năm dệt may VN đã xuất khẩu trên 3 tỷ USD sợi, gần 1 tỷ USD vải, 400 triệu USD phụ liệu may.

Dệt may VN hiện đang xuất khẩu sang 4 thị trường trọng điểm là: Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn nữa, các FTA đã và sắp ký kết, cũng giúp DN trong nước thay đổi dần kết cấu thị trường xuất khẩu. Ngoài 4 thị trường “trọng điểm” kể trên, các DN bắt đầu đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường mới như Trung Quốc với kim ngạch dự kiến năm 2018 đạt khoảng trên 2 tỷ USD, Nga khoảng 500 triệu USD.

Thời gian gần đây, chi phí nhân công của Trung Quốc tăng cao, nên nước này đã không đầu tư nhiều vào dệt may xuất khẩu và không còn cạnh tranh quá nhiều với xuất khẩu dệt may của VN. Thực tế, có một số nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đã dịch chuyển đơn hàng, đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang VN, nhưng chưa nhiều.

Việc Mỹ chính thức áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6.7, là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây lại là cơ hội cho ngành dệt may VN bứt phá. Bởi, khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN VN từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngành Dệt may và cơ hội bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO