Ngành giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan là một ngành có tính tuân thủ cao, đòi hỏi những kinh nghiệm liên quan đến pháp luật, liên quan đến hàng hóa, tập quán quốc tế
Ngày 29 - 30/10, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (AusSkills), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cùng với các doanh nghiệp và tổ chức Giáo dục nghề nghiệp ở Australia và Việt Nam đồng thời tổ chức Hội thảo trực tuyến hợp tác kỹ năng giữa Australia - Việt Nam: Nghề giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan.
Xu hướng nghề giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan
Trong buổi hội thảo đại diện phía Australia, ông Paul Damkjaer, CEO - IFCBAA cho biết, tình hình giao nhận hàng hóa và khai báo ở hải quan ở Australia: “Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì vai trò của hệ thống số được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn chưa được xử đồng bộ nên đã làm cho tình trạng xuất nhập khẩu trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Paul nhấn mạnh, Australia chưa từng có tình trạng này ngay cả trong trong cuộc khủng hoảng kinh tế”.
Muốn phát triển tốt nghề giao nhận và khai bào hải quan, phải có sự liên kết cơ chế giữa 3 'nhà'
Theo ông Đặng Vũ Thành, Trưởng Ban Hải quan - Thuận lợi hóa Thương mại - VLA cho biết: “Dự báo ngành giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan là một ngành “hot” trong 10 năm tới. Tuy nhiên, để học và theo đuổi ngành này thì đòi hỏi những người sẽ, đang và đã bước vào nghề phải đối diện với nhiều thách thức”.
Theo thống kê của Hiệp hội VLA, Việt Nam đang có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, tổng cục hải quan đã cấp chứng chỉ cho hơn 1.000 đại lý hải quan. Về cơ bản, xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới là công việc thông quan đều phải qua các đại lý hải quan chuyên nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang chấp nhận một thực tế là thông quan tồn tại song song 2 hình thức. Một là thông quan hàng hóa qua các công ty đại lý hải quan và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Hai là các công ty giao nhận hàng hóa có thể thông qua giấy giới thiệu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu để cung cấp các dịch vụ thông quan này.
Nếu trong thời gian một thập kỷ trước đây, về cơ bản ngành giao nhận hàng hóa Việt Nam có xu hướng chuyên nghiệp hóa chuyên môn hóa, một nhân viên đại lý hải quan thường sẽ chỉ tập trung một số các lĩnh vực nhất định như là chuyên về hàng gia công hay hàng xuất khẩu, hoặc chuyên về máy móc, về nguyên vật liệu,…
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nhân viên đại lý hải quan đã trở nên đa nhiệm, đa chức năng hơn. Một người có thể làm nhiều công đoạn trong chuỗi dịch vụ logistics không chỉ bao gồm vấn đề khai báo hải quan mà có thể là các dịch vụ cung ứng về cước quốc tế, về kho bãi, về cảng,... Đó cũng là xu hướng mà hiện nay Việt Nam đã bắt đầu thể hiện.
Đào tạo nhân lực cho nghề đại lý giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan
Trong hai năm gần đây tổ chức của Aus4Skills dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Úc đã thành lập ra ban tư vấn đào tạo ngành logistics với mục tiêu quan trọng nhất đó là hướng tới sự hỗ trợ của doanh nghiệp đến đào tạo nghề.
Đối với nghề đại lý hải quan, một cán bộ, một nhân viên trẻ không có kinh nghiệm không thể làm được vì đây là một ngành có tính tuân thủ cao, đòi hỏi những kinh nghiệm liên quan đến pháp luật, liên quan đến hàng hóa, liên quan đến tập quán quốc tế. Và rõ ràng, một người muốn trưởng thành về nghề phải có tuổi đời từ 40 - 50 tuổi, chứ những người trẻ thì rất khó. Việc làm sao để các học viên, các cán bộ nhân viên làm nghề đại lý hải quan tiếp cận được thì chắc chắn phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước và cụ thể ở đây là hải quan.
Theo ông Vũ Ninh, Phó Chủ tịch - Trưởng Ban Hải quan - Thuận lợi hóa Thương mại - Trưởng Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics chia sẻ: “Muốn phát triển tốt nghề giao nhận và khai bào hải quan, phải có sự liên kết cơ chế giữa 3 “nhà”. Thứ nhất là Nhà nước, thứ hai là Nhà doanh nghiệp và thứ ba là Nhà trường”.
Đối với nghề giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan, vai trò Nhà nước cần phải bổ sung thêm. Cụ thể là bổ sung thêm hải quan và Tổng cục Hải quan, nếu Tổng cục Hải quan là một bên liên quan đến ngành giao nhận và khai báo hải quan thì chất lượng đào tạo sẽ cao hơn rất là nhiều.
Thứ hai, là nhóm doanh nghiệp muốn đào tạo nghề giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp, doanh nghiệp ở đây không chỉ là doanh nghiệp thuần túy là khai báo, làm nghề khai báo hải quan mà những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những doanh nghiệp cảng, đấy là những doanh nghiệp trực tiếp có bộ phận khai báo hải quan nằm ở đó. Sự tham gia này sẽ giúp cho ngành có được những nhân lực lao động trong ngành khai báo hải quan này nó có một cái độ thực tế cao rút ngắn được thời gian đào tạo và không phải đợi đến 30 - 40 tuổi mới trở thành nhân viên đại lý hải quan tốt và cái tuổi nó sẽ rút ngắn hơn nữa, thấp hơn nữa.
Trong những năm vừa qua, tại nhiều trường, các giáo cụ, dụng cụ để thực hành, giảng dạy trong trường có sự thay đổi rất lớn. Tất cả các trường tham gia dự án của Aus4Skills luôn gắn với mục tiêu không những được học thật, có những thiết bị, dụng cụ thật vì đào tạo không chỉ là mô phỏng mà cần phải được thực hành trên các phương tiện thiết bị thật, sử dụng nhà kho, kệ, đóng gói bao bì,… Đây được xem là những bước tiến quan trọng trong việc giảng dạy sinh viên trong ngành logistics nói chung và ngành đại lý giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan nói riêng.
Ngay từ trong chương trình đào tạo, sự tham gia của các doanh nghiệp logistics đối với các trường cũng đã được cụ thể hóa bằng việc các chương trình đào tạo đều có sự tham gia của doanh nghiệp. Doanh nghiệp giúp các trường hiện thực hóa, cụ thể hóa, chi tiết hóa các chương trình đào tạo.
Và hơn thế nữa, trong quá trình đào tạo thì không chỉ học tại trường mà các em học sinh phải được đến tận các doanh nghiệp để thực hành, chi tiết cụ thể trên hiện trường cụ thể với khách hàng cụ thể và với hàng hóa cụ thể, đây cũng là bước tiến rất quan trọng đối với việc đào tạo nghề.