Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Q.Hùng
Đây là những ý kiến đã được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2019 của Tổng cục Hải quan với 35 điểm cầu tại Hải quan các địa phương. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Quyết liệt không để thất thu ngân sách
Tập trung đánh giá tình hình công tác thu NSNN trong 3 tháng đầu năm và đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2019 là nội dung được đề cập nhiều tại hội nghị giao ban.
Đánh giá về công tác thu NSNN của ngành Hải quan trong quý I, Cục trưởng Cục Thuế XNK Lưu Mạnh Tưởng cho biết, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I/2019 đạt 83.250 tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán, bằng 26,39% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 21,13% (tương đương tăng 14.540 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2018.
Phân tích cụ thể, Cục trưởng Cục Thuế XNK cho biết, số thu quý I/2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do tăng thu đột biến từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu và dầu thô nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn thu từ ô tô không ổn định do vướng mắc từ Nghị định 116 trong thời gian dài, nên khi được tháo gỡ các DN NK ồ ạt dẫn đến số thu tăng vọt. Thời gian tới dự báo nhu cầu sẽ giảm dần và đi vào ổn định. Mặt khác, theo quy luật một số năm gần đây tốc độ tăng thu NSNN quý II thấp đều hơn mức tăng bình quân năm (năm 2017 quý II tăng 1,47%, năm 2018 tăng 6,4%), do đó dự báo quý II/2019 cũng không ngoại lệ. Vì vậy, toàn ngành cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý thu NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Cục trưởng Cục Thuế XNK đưa ra hàng loạt các giải pháp trong thời gian tới như: Tăng cường công tác quản lý hải quan kịp thời phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại gây thất thu NSNN. Trong đó, tập trung công tác giá, rà soát Danh mục quản lý rủi ro về giá để xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hiện tham vấn, kiểm tra sau thông quan có hiệu quả; vấn đề phân loại, áp dụng mức thuế cũng cần được chú trọng tránh tình trạng phân loại không thống nhất. Thực hiện rà soát kiểm tra trường hợp miễn thuế, đặc biệt là các trường hợp miễn thuế dự án ưu đãi đầu tư; tập trung phân tích đánh giá rủi ro sau thông quan đối với hàng luồng Xanh để tổ chức kiểm tra sau thông quan hoặc thanh tra chuyên đề kịp thời cảnh báo khâu thông quan, tránh sai sót lặp lại; tổ chức thu hồi nợ có khả năng thu hồi, không để phát sinh nợ, đặc biệt với các khoản nợ sau thanh tra, kiểm tra sau thông quan; xử lý các khoản nợ còn vướng mắc trong kiểm tra, thanh tra.
Ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh: Cục hải quan các tỉnh, thành phố cần theo dõi, bám sát tình hình thực tế; đặc biệt là các nguồn thu, cơ sở thu, đảm bảo đưa ra nhóm giải pháp phù hợp với đặc thù địa bàn, đồng thời báo cáo Tổng cục tháo gỡ kịp thời.
Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, xác định công tác thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị đã nỗ lực triển khai các giải pháp tại Chỉ thị thu NSNN, mặc dù số thu trong quý I tại đơn vị tăng cao nhờ mặt hàng ô tô nguyên chiếc NK, tuy nhiên dư địa số thu của những tháng sau không còn nhiều. Vì vậy, đơn vị cũng xác định tập trung vào các giải pháp như cải cách hiện đại hóa, phát triển mối quan hệ đối tác với DN, xây dựng hệ thống thông tin tập trung để quản lý các cấp, cùng với đó triển khai đề án logistics thông quan nhanh, giảm ùn tắc, hỗ trợ DN.
Còn theo Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc, việc kiểm soát trị giá hàng hóa NK luôn được đơn vị chú trọng thực hiện. Thường xuyên rà soát các mặt hàng NK, đổi mới danh mục rủi ro...
Đồng tình với những giải pháp mà Tổng cục Hải quan đưa ra trong triển khai các nhiệm vụ thu NSNN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, các cục hải quan cần bám sát chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại Chỉ thị về thu NSNN cùng với những giải pháp Cục Thuế XNK đưa ra để triển khai công tác thu NSNN. Ngành Hải quan phấn đấu phải vượt chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.
Tại Hội nghị, chỉ đạo về công tác thu NSNN, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, loại trừ yếu tố khách quan, yếu tố chống thất thu NSNN cần được thảo luận kỹ, kiểm tra trọng điểm mã số, thuế suất và trị giá hải quan, việc áp dụng biểu thuế và chính sách... thực hiện triệt để những giải pháp đã được đưa ra tại Chỉ thị về thu NSNN bằng những vụ việc cụ thể, chi tiết.
Theo Tổng cục trưởng, để làm được điều này, các chi cục, các cục hải quan cần phải đánh giá chi tiết những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, sự chủ động của các đơn vị trong việc thực hiện thu NSNN trong các khâu thủ tục, xác định giá, mã… Chấn chỉnh những sai sót trong công tác kiểm định, xác định trị giá, mã số hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường công tác chống thất thu.
Ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động hải quan
Một nội dung nữa được các ý kiến đề cập nhiều tại Hội nghị giao ban trực tuyến là cải tiến hơn nữa công tác giám sát hải quan, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi hoạt động hải quan để nâng cao hiệu quả giám sát hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK của doanh nghiệp.
Tham luận về xây dựng mới các phân hệ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong thời gian tới Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Lê Đức Thành cho biết, hiện Cục CNTT đang triển khai thực hiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống CNTT của ngành Hải quan, theo đó, so với mô hình kiến trúc CNTT hiện tại sẽ bổ sung 2 khối là khối thông minh tích hợp và khối quản lý người sử dụng.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt trong Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016- 2020, ngành Hải quan sẽ bổ sung các dự án, nhiệm vụ đầu tư CNTT chưa có như: Xây dựng ứng dụng di động hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện; xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý thông tin doanh nghiệp tập trung; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thanh tra, kiểm tra nội bộ, khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng; xây dựng phân hệ tích hợp hỗ trợ cán bộ hải quan tác nghiệp; xây dựng phân hệ chuyên gia hỗ trợ tác nghiệp; xây dựng phần mềm quản lý việc lấy mẫu, phân tích và giám định hàng hóa tích hợp được với các hệ thống nghiệp vụ khác của ngành Hải quan; xây dựng hệ thống quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
Đồng tình với những ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, thay đổi CNTT trong quản lý hải quan là rất quan trọng, hiện Hải quan TPHCM hàng ngày đều giải quyết khối lượng lớn công việc, vì vậy việc ứng dụng CNTT để quản lý hải quan tích hợp nhiều khâu nghiệp vụ là rất quan trọng, hỗ trợ rất lớn công tác hoạt động nghiệp vụ và quản lý hải quan tốt hơn.
Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc cho rằng, việc tích hợp phần mềm quản lý hải quan là rất cần thiết, tuy nhiên với 21 phần mềm quản lý hiện nay, thì các phần mềm này cần phải chuẩn hóa thành những quy trình và đồng bộ, cập nhật dữ liệu... thế mới hỗ trợ tốt cho hoạt động hải quan địa phương.
Lắng nghe các ý kiến tham luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan cần tập trung triển khai mạnh mẽ tái thiết kế lại hệ thống CNTT, tuy nhiên cần phải có quy trình nghiệp vụ chuẩn chỉ. Trong đó, vai trò quan trọng của hải quan địa phương, đơn vị nghiệp vụ để góp ý vào việc xây dựng hệ thống này.
Chỉ đạo hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tới đây Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện tái cấu trúc hệ thống CNTT để phục vụ quản lý hải quan. Vì vậy, yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện quản lý đồng bộ, tất các những hoạt động phát sinh liên quan đến hải quan đều phải được hiển thị trong hệ thống để việc giám sát rõ ràng, minh bạch.