Phải xử lý dứt điểm bất cập của BOT

nld.com.vn|22/11/2018 11:40

(VLR) Phương án xử lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với các trạm thu phí BOT hiện vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chưa bảo đảm tính toàn diện, lâu dài.

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng 2 phương án xử lý dứt điểm Trạm thu phí BOT Cai Lậy

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng 2 phương án xử lý dứt điểm Trạm thu phí BOT Cai Lậy

Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có 88 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT; trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 9 dự án đầu tư theo hình thức BOT được triển khai trên nền đường cũ và đầu tư tuyến tránh tương tự như dự án BOT Quốc lộ 1 ở tỉnh Tiền Giang.

Loay hoay giải quyết

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho rằng việc xử lý tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Do đó, Bộ GTVT đã phải xin ý kiến về giải pháp xử lý của các đơn vị này, sau đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về hướng xử lý đối với Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), theo một Thứ trưởng Bộ GTVT, cơ quan này đã trình 2 phương án để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIV mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng những dự án BOT là hết sức nhạy cảm. Thời gian qua, một số dự án đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ thủ tục để thu phí. Một số dự án mới cho thu phí một phần như dự án BOT Chợ Mới - Thái Nguyên, đã ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính của nhà đầu tư. Điều này có trách nhiệm lớn của Bộ GTVT với nhà đầu tư, với xã hội.

Cũng theo ông Thể, Bộ GTVT đã có báo cáo tổng hợp chung gửi Thủ tướng về tất cả dự án BOT, trong đó có việc dừng, giãn 13 dự án, đề xuất một số vấn đề. Tuy nhiên, những đề xuất của Bộ GTVT liên quan đến tài chính và tình hình tài chính quốc gia, do đó Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu thật kỹ từng trường hợp. "Chúng tôi đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có dự án BOT Đèo Cả, BOT Chợ Mới - Thái Nguyên và một số dự án khác" - Bộ trưởng Thể nói.

Về rà soát và sớm xử lý dứt điểm bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư ở các dự án BOT, trong báo cáo gửi QH tại kỳ họp thứ 6, Bộ GTVT khẳng định đã báo cáo Thủ tướng nội dung rà soát, kiến nghị các giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT qua 3 văn bản vào các tháng 3, 4, 8.2018.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đến thời điểm này, một phần bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết. Tuy nhiên, tại một số trạm thu phí dù Bộ GTVT cùng các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm.

"Bộ GTVT đang tổng hợp và sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các trạm thu phí này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Lấy lại niềm tin của người dân

Ngày 8.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông. Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, nhà đầu tư. Các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ thu phí một phần (dự án Quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, tỉnh Thái Bình; dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới; dự án Quốc lộ 21B Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá kỹ, toàn diện các nguyên nhân, xem xét kỹ từng trường hợp, từ đó nêu rõ giải pháp phù hợp, khả thi, báo cáo Thủ tướng. Đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự gồm các tuyến tránh: TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý các vướng mắc, không để xảy ra mất an ninh trật tự, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng quậy phá tại các trạm thu phí. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc khắc phục các bất cập của mình để lấy lại niềm tin của người dân, không làm ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức BOT.

Nhiều chuyên gia đánh giá phương án xử lý của Bộ GTVT hiện vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chưa bảo đảm tính toàn diện, lâu dài. Chính phủ cần sớm chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng nền tảng pháp lý ở cấp độ cao nhất, trình QH ban hành luật về đầu tư PPP, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Giảm phí không phải giải pháp triệt để
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng hiện chưa thể giải quyết được những bất cập của các dự án BOT do chỉ xác định các nhóm vấn đề chứ chưa thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề đã xác định. Theo ông Ánh, việc miễn, giảm mức phí cho người dân xung quanh trạm thu phí và mở rộng địa bàn được miễn, giảm là cần thiết để giảm bức xúc. "Nhưng đây vẫn không phải giải pháp giải quyết triệt để. Trạm thu phí đặt sai vị trí thì phải đặt lại, không nên để tình trạng người dân chỉ đi một đoạn rất ngắn nhưng vẫn phải trả tiền cho cả tuyến đường BOT" - ông Ánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phải xử lý dứt điểm bất cập của BOT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO