Kỳ vọng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ phát triển ngang tầm khu vực vào năm 2030
Lợi thế cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã xác định cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì là 1 trong 5 địa phương có mức đóng góp cao nhất về GDP và thu ngân sách Nhà nước. Để tiếp tục duy trì vai trò và vị trí của tỉnh, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột gồm công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, vấn đề khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với TP. HCM, tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng để tạo động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa... được coi là vấn đề then chốt trong giai đoạn sắp tới.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 69 dự án cảng biển được quy hoạch tập trung chính trên 02 luồng hàng hải là Vũng Tàu - Thị Vải và sông Dinh (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến). Hiện đã đưa vào khai thác 48/69 dự án cảng biển với tổng công suất khoảng 141,5 triệu tấn/ năm, tổng chiều dài cầu bến khoảng 14km (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có chiều dài bến khoảng 12km với công suất khoảng 130 triệu tấn/năm).
Với lợi thế cảng nước sâu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đủ năng lực tiếp nhận tàu container siêu lớn Margrethe Maersk (trọng tải trên 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 TEUs), đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Chỉ tính năm 2020, Cái Mép - Thị Vải đã có 113 triệu tấn hàng hóa thông qua, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam.
Dù có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định như: Điều kiện hạ tầng giao thông còn chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có mô hình các trung tâm logistics hiện đại, đa phương thức chuyên nghiệp; thiếu hệ thống ngân hàng tài chính, hệ thống quy trình thủ tục hải quan đầy đủ; đồng thời thiếu các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy kinh tế hàng hải, thúc đẩy trung chuyển và thu hút nguồn lực... Đây là những tồn tại cần sớm khắc phục để phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong thời gian tới.
Đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành cụm cảng hiện đại trên thế giới
Ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã có chuyến thị sát tại 3 cảng trên tuyến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải gồm: Cảng Gemalink thuộc Công ty Cổ phần Gemadept, CMIT (Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép) và Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). Đồng thời, Thủ tướng cũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và tại tại cụm cảng nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải hôm 20/3
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây Nam Bộ bằng duy nhất quốc lộ 51. Tuy nhiên, con đường này đã quá tải, luôn ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa ra vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng kết nối cảng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm”.
Về vướng mắc trong việc kết nối hạ tầng, lãnh đạo Cảng Gemalink kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp triển khai đồng bộ hạ tầng kết nối giao thông đến cụm cảng nước sâu, kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc, cầu Phước An. Đồng thời, sớm có đường sắt kết nối cụm cảng vào hệ thống đường sắt quốc gia, nối với Lào, Campuchia, Thái lan. Đặc biệt, cần gấp rút tận dụng những vùng nước tuyến bến chưa được xây dựng công trình thủy để làm các bến sà lan xếp dỡ container hàng xuất nhập khẩu kết nối Cái Mép với các cảng sông ICD tại TP. HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án kết nối giao thông của vùng, đặc biệt là kết nối các trung tâm công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM và kể cả Bình Phước, Tây Ninh… về Cái Mép - Thị Vải đã có quy hoạch có từ lâu nhưng việc triển khai còn chậm. Đây chính là trở lực lớn để phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vai trò của cảng Cái Mép - Thị Vải – hệ thống cảng biển quốc tế mang ý nghĩa chiến lược.
Nắm bắt tình hình, Thủ tướng đã có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc nâng cấp hạ tầng khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải; trong đó có việc nạo vét đoạn luồng từ phao số 0 đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu tối thiểu -15m cho tàu lớn đi lại. Rà soát lại cầu cảng, bến cảng, tổ chức các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long; bên cạnh đó là tổ chức các hệ thống logistics hiện đại; Sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu; nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép…
Cùng với đó nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép; sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực để giảm tỷ lệ hàng hóa tại Cái Mép phải di chuyển vào TP. HCM làm thủ tục hải quan…
Về việc đầu tư hạ tầng logistics, Thủ tướng cho rằng cần ưu tiên Trung tâm logistics Cái Mép Hạ để thúc đẩy dịch vụ cảng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cụm cảng này nhằm kết hợp vận tải giữa hàng không và đường thủy.