Tọa đàm "Chính phủ điện tử vì những điều tốt đẹp"
Chính phủ số (còn được gọi là chính phủ điện tử - e-government hay GovTech) sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện cơ hội của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ được tiếp cận với dịch vụ và thông tin công.
Hiện nay, các quốc gia hàng đầu thế giới như Thụy Điển đang được đánh giá theo chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc đã cải thiện việc cung cấp dịch vụ tới người dân và đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế và tạo ra công ăn việc làm trong nền kinh tế số.
Đánh giá về thực trạng tại Việt Nam, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam đã dần đạt được những tiến bộ nhất định và hiện đang đứng thứ 88 trong số 193 quốc gia về chỉ số xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế.
"Khảo sát của UNDP thực hiện với người dân Việt Nam cho thấy, có tới 48% những người tham gia khảo sát nói rằng đã được tiếp cận với Internet tại gia đình. Song trong 63 tỉnh, thành phố, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… gần như 100% người dân đã tiếp cận với Internet nhưng tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dùng Internet", bà Huyền chia sẻ.
Với những nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Việt Nam hiện nay, chuyên gia UNDP hy vọng Việt Nam có thể đẩy nhanh hơn quá trình số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử cũng như là thực hiện những dịch vụ hành chính công trên mạng.
Bên cạnh đó, bà Huyền cũng khuyến nghị: "Chính phủ điện tử nghĩa là phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong khu vực công một cách chính xác và đầy đủ. Cả Chính phủ và người dân đều tương tác với nhau, đều hỗ trợ nhau trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Để thúc đẩy phát triển chính phủ số, để người dân tham gia và chia sẻ thông tin, các chuyên gia nhấn mạnh tới yếu tố xây dựng lòng tin, đảm bảo để người dân có thể tin tưởng khi họ tiếp cận thông tin của khu vực công và cảm thấy yên tâm khi họ chia sẻ thông tin của mình".
Có cùng quan điểm trên, ông Kim Andreasson, Giám đốc điểu hành DAKA và bà Samia Melhem, Trưởng nhóm số hóa, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tất cả những cải tiến của Chính phủ, của khu vực công cần phải nhằm phục vụ, ưu tiên công dân đầu tiên.
Ở khía cạnh công nghệ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Diễn đàn toàn cầu Boston lại cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ hữu hiệu để ứng dụng cho xây dựng chính phủ điện tử, tạo cơ hội để Việt Nam bắt kịp các quốc gia. "Việt Nam thiếu nguồn kinh phí và con người, thiếu chuyên gia và chưa có các trung tâm đào tạo chuyên sâu về AI", vị này nói.
Trong cùng ngày, diễn đàn còn có nhiều phiên thảo luận khác về các chuyên đề như thành phố thông minh, kết nối và bền vững; Mạng xã hội và sai lệch thông tin; Tư cách công dân số đối với việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm...