Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nút thắt đầu tư

Báo Công thương điện tử|06/03/2019 13:50

(VLR) Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam do yếu về công nghệ nên vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu. Đó là thách thức lớn mà ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam cần giải quyết hiện nay.

Thiếu đầu tư công nghệ

Theo Bộ Công Thương, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do các DN FDI cung cấp.

Điều đó cho thấy, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các DN sản xuất nội địa còn rất lớn. Nhìn chung, các DN CNHT trong nước khá giống nhau về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm, thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực sản xuất.

Cụ thể, trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn…) rất ít DN thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt. Hay, lĩnh vực điện tử mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì. Các chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử rất ít DN đủ trình độ sản xuất.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC) thực hiện cũng cho thấy ngay cả đối với các công ty hiện đang tham gia vào ngành CNHT, rất ít DN sử dụng công nghệ hiện đại hoặc công nghệ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao do các tập đoàn đa quốc gia đặt ra. Các công ty sản xuất linh kiện kim loại thường sử dụng máy móc của Nhật Bản được sản xuất từ thập kỷ trước hoặc máy móc của Trung Quốc. Còn các công ty sản xuất linh kiện điện tử thường có công nghệ không đầy đủ như hệ thống phòng sạch.

Tháo gỡ nút thắt

Từ góc độ DN CNHT, đại diện Công ty CP Công nghệ Bắc Việt lý giải, nguồn vốn hạn chế, rào cản về tài chính, không cho phép DN tiếp nhận công nghệ có giá trị cao. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với một công nghệ mới, một công ty vừa và nhỏ rất khó đánh giá được chất lượng của công nghệ để đưa ra quyết định đầu tư thích hợp. Vì vậy, ngoài mong muốn tiếp cận được với các nguồn vốn đổi mới khoa học và công nghệ (KH&CN), công ty cũng mong nhận được sự hỗ trợ về mặt tiếp cận và chuyển giao công nghệ.

Bộ Công Thương nhìn nhận, để nâng cao năng lực DN CNHT, thời gian tới, cần tiếp tục định hướng triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về phát triển KH&CN, cần xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đối với các DN, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dựa trên lộ trình công nghệ và phát triển sản phẩm của DN sản xuất, chế tạo sản phẩm CNHT của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao trình độ sản xuất và giảm giá thành sản phẩm; triển khai chương trình đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành CNHT để từ đó định hướng phát triển năng lực KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các ngành CNHT.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ để có thêm nhiều DN CNHT tiếp cận được Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, cũng như thêm nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại.

Theo Bộ Công Thương, cần hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các DN CNHT trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nút thắt đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO