Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam song hành với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Trần Trình Lãm|26/09/2023 13:25

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Tại Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.

5d8982d6c529e-compressed.jpeg

Ngoài ra, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.

Đạt được thành tựu trên là nhờ Việt Nam không ngừng đẩy mạnh đổi mới, bao gồm phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; không ngừng cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Trong đó, vận dụng hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện làm động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là chưa khai thác hết được lợi thế địa - kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại, bất cập như: Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ùn ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường biển còn diễn ra. Tiến độ triển khai thi công một số dự án kết cấu hạ tầng logistics còn chậm so với kế hoạch; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc chưa kịp thời, đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải, trong bài phát biểu tại Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022 đã cho rằng, sự phát triển của ngành logistics Việt Nam gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.

Cần sự chia sẻ, trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước

Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc “đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” đã xác định Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

5db6b3c1c0242-compressed.jpeg

Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn. Đây là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội. Vấn đề là, cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp về logistics, giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau, giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics.

Các hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ, chia sẻ và trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nhất là việc tăng cường thực hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác; tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội. Đồng thời, đặt ra yêu cầu ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam song hành với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO