Phát triển du lịch Việt Nam thông qua hình ảnh điểm đến

02/03/2017 14:28

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Phát triển “ngành công nghiệp không khói” – Du lịch đang là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Các điểm đến du lịch được hình thành ngày càng nhiều, tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho du khách, đồng thời thị trường du lịch cũng trở nên cạnh tranh hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hình ảnh điểm đến có tác động tới quá trình ra quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

(Vietnam Logistics Review)Phát triển “ngành công nghiệp không khói” – Du lịch đang là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Các điểm đến du lịch được hình thành ngày càng nhiều, tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho du khách, đồng thời thị trường du lịch cũng trở nên cạnh tranh hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hình ảnh điểm đến có tác động tới quá trình ra quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Việt Nam (VN) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng lại chưa xây dựng được một hình ảnh điểm đến thật sự khác biệt so với các nước trên thế giới. Bài viết này nêu lên những kinh nghiệm và đề ra một số giải pháp phát triển du lịch VN thông qua hình ảnh điểm đến.

Hình ảnh điểm đến

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong thực tế, nhưng các khái niệm về hình ảnh điểm đến còn chưa chặt chẽ, thống nhất với nhau. Tuy nhiên, theo Pike (2004), có một sự đồng thuận toàn diện rằng “Hình ảnh điểm đến là một cấu trúc tổng hợp trong đó bao gồm sự liên kết giữa đánh giá về mặt nhận thức và tình cảm tạo nên toàn bộ ấn tượng của cá nhân về điểm đến”.

Trong quảng bá và kinh doanh du lịch hiện đại, giá cả đôi khi không còn là vấn đề quan trọng nữa, mà để cạnh tranh với nhau, các điểm đến phải giành lấy tình cảm của du khách thông qua việc xây dựng trong tâm trí của họ một hình ảnh thật khác biệt và tích cực so với các điểm đến khác.

Kinh nghiệm phát triển du lịch của thế giới

- Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong nền công nghiệp du lịch của châu Á và thế giới. Quốc gia này đã khéo léo sử dụng hình ảnh các ca sĩ, nhóm nhạc và những bộ phim truyền hình để quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa và giới thiệu về con người Hàn Quốc. Cụ thể, hình ảnh đất nước Hàn Quốc được xây dựng trong tâm trí của du khách là:

» Một trung tâm mới của thế giới trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh

» Nền ẩm thực hấp dẫn, nổi tiếng với món kim chi

» Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ và công nghiệp mỹ phẩm » Cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu có 4 mùa rõ rệt trong năm

Chiến lược kết hợp du lịch với công nghiệp giải trí đã cho thấy hiệu quả khi đưa Hàn Quốc đến gần hơn với du khách.

- Singapore

Không giàu tài nguyên thắng cảnh, Singapore lựa chọn và xây dựng cho mình một hình ảnh điểm đến “sạch, xanh, văn minh và hiện đại bậc nhất thế giới” với những trung tâm thương mại; công viên; khu vui chơi; hệ thống kiến trúc nhà hàng, khách sạn… đạt kỉ lục thế giới như Universal Studios Singapore, vườn bách thảo Singapore, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands, Đại lộ mua sắm Orchard… Để làm được điều này, Chính phủ Singapore tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng; phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ có liên quan; nâng cao dân trí, rèn luyện ý thức, nghiêm túc chấp hành pháp luật cho người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả người nước ngoài; điều chỉnh kịp thời và không ngừng cải thiện sức hút của điểm đến; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách. Hàng năm, quốc đảo này đón trên 10 triệu khách quốc tế, gấp gần ba lần dân số nơi đây.

Các yếu tố cấu thành hình ảnh điểm đến

Theo Beerli (2004), hình ảnh điểm đến bao gồm 9 thuộc tính sau:

1. Nguồn lực tự nhiên: như khí hậu, địa hình, sự giàu có của hệ động - thực vật...

2. Hạ tầng du lịch: là những cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của khách du lịch như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, thông tin du lịch, phương tiện...

3. Hạ tầng chung: bao gồm sự phát triển về hệ thống giao thông như đường sá, sân bay, bến cảng; các dịch vụ vận chuyển công cộng và cá nhân; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm mua sắm thương mại.

4. Văn hóa, lịch sử, nghệ thuật: bao gồm các lễ hội; các buổi hòa nhạc; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật ẩm thực; văn hóa dân gian; tín ngưỡng; tôn giáo; tập quán; phong cách sống; bảo tàng lịch sử; những tòa nhà; đài tưởng niệm.

5. Tiêu khiển và giải trí: những sản phẩm phục vụ vui chơi, giải trí của du khách như đánh golf; câu cá; trượt tuyết; săn bắn; trò chơi; lặn ngắm biển; leo núi; mua sắm; công viên nước; vườn thú; sòng bạc; cuộc sống về đêm…

6. Bầu không khí: là cảm giác mà điểm đến mang lại cho du khách như sự sang trọng, thời trang, danh tiếng tốt, không khí gia đình, kỳ diệu, thư giãn, xả stress, dễ chịu, hấp dẫn, thích thú...

7. Môi trường tự nhiên: phong cảnh đẹp, sức hấp dẫn điểm đến, độ sạch của bầu không khí, nước biển…

8. Yếu tố kinh tế, chính trị: ảnh hưởng đến sự an toàn và các hoạt động chi tiêu khi đi du lịch của du khách như ổn định chính trị, tấn công khủng bố, tỷ lệ tội phạm, sự phát triển kinh tế, giá cả…

9. Môi trường xã hội: là mối quan hệ giữa con người tại điểm đến với nhau và với du khách như chất lượng cuộc sống; hoàn cảnh sống sung túc hay nghèo khổ; rào cản về ngôn ngữ; sự hiếu khách, thân thiện của người dân.

Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam qua hình ảnh điểm đến

Thứ nhất, cần lựa chọn và định vị hình ảnh điểm đến VN riêng biệt và tích cực so với các điểm đến khác. Các chiến dịch marketing cho du lịch VN vẫn còn chung chung vì không có chủ đề cụ thể, do đó không đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh. Vì vậy, cần nhanh chóng chọn ra hình ảnh điểm đến cho du lịch VN và từ đó để đề ra chiến lược phát triển du lịch phù hợp và đổi mới theo từng thời kỳ.

Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ cải thiện điều kiện sống của người dân mà còn tạo động lực để thúc đẩy du lịch phát triển, tạo điều kiện để du khách tiếp cận với điểm đến. Do đó, cần tiếp tục kêu gọi và hỗ trợ các DN trong việc đầu tư hạ tầng du lịch; chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt trong giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào các khu du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho du lịch VN. Bên cạnh đó, cần đề ra kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong ngành du lịch. Vì du lịch là ngành dịch vụ, trong đó yếu tố con người quyết định 80% sự thành công. Cơ sở hạ tầng hoành tráng, hiện đại chỉ mang lại giá trị tài sản địa ốc, còn con người mới là yếu tố tạo ra giá trị gia tăng cho phát triển du lịch.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch VN. Thành lập các văn phòng đại diện tại các thị trường du lịch trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản để hỗ trợ các DN lữ hành thu hút khách du lịch… Bên cạnh đó, với lợi thế nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, VN nên cố gắng học hỏi kinh nghiệm quảng bá du lịch của các nước như kết hợp quảng bá du lịch thông qua điện ảnh của Hàn Quốc. Ngoài việc phát triển điện ảnh trong nước còn nên kêu gọi các đoàn làm phim nước ngoài đến quay hình tại VN để mang hình ảnh đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Một số bộ phim nổi tiếng đã và đang quay tại VN như Pan, Kong: Skull Island… sẽ là tiền để để VN quảng bá du lịch thông qua điện ảnh.

Olympic Seoul 1988 cũng góp phần đưa hình ảnh Hàn Quốc đến với thế giới nhưng số lượng lúc này chỉ đạt mức 2 triệu. Phải đến những năm 2000, khi nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ thì số lượng du khách bắt đầu tăng lên 5 triệu, và đến năm 2014 vượt hơn 14 triệu lượt du khách.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến du lịch. Cụ thể, tiếp tục cải tiến các quy định và thủ tục cấp thị thực cho du khách quốc tế; có chính sách hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch như nâng cao mức hưởng ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Việt Nam thông qua hình ảnh điểm đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO