Phát triển logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Báo Nhân dân|11/11/2021 08:37

(VLR) Với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, có nhiều cảng biển, cảng thủy nội địa lớn, các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đủ tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy dịch vụ logistics. Trong những năm qua, các địa phương ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh)

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh)

Những năm gần đây, hạ tầng logistics tại Hải Phòng ngày càng hoàn thiện nhờ thành phố huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cảng biển và giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ. Hiện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện hoàn thành đưa vào khai thác bến số 1, bến số 2; bến số 3, bến số 4 đã được khởi động; bến số 5, bến số 6 đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Thu hút đầu tư dịch vụ logistics trên địa bàn Hải Phòng có bước tiến mạnh mẽ. Nhiều trung tâm logistics hình thành và đi vào hoạt động, cùng khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có nhiều đơn vị thuộc các tập đoàn logistics đa quốc gia. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, việc từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế đã đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội của thành phố. Sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Hải Phòng đã tăng từ 79 triệu tấn vào năm 2016 lên 142,8 triệu tấn năm 2020, tăng bình quân 17,55%/năm. Trong 10 tháng năm 2021, con số này đạt hơn 119,4 triệu tấn, tăng 7,06% so cùng kỳ năm 2020. Dịch vụ logistics tăng trưởng cao với mức bình quân 23%/năm, đóng góp quan trọng cho sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, đưa tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2021 đến nay của Hải Phòng đạt 12,28%, gấp 8,65 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Tháng 4/2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển, cùng với nghị quyết về phát triển dịch vụ, thúc đẩy dịch vụ logistics và liên kết vùng trong chuỗi sản xuất để tăng giá trị và tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai dịch vụ logistics bằng những giải pháp cụ thể, trong đó tập trung xây dựng, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường biển, đường hàng không đồng bộ, kết nối với các cảng biển quốc tế và cửa khẩu quốc tế, đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân 16%/năm. Trong 9 tháng năm 2021, hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh đạt hơn 60 triệu tấn, đạt 82% so cùng kỳ năm 2020. Cuối tháng 10/2021, Quảng Ninh chính thức khởi công dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79 ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái. Tỉnh dành nhiều nguồn lực phát triển khu công nghiệp cảng biển Hải Hà thành trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn với các chức năng là trung tâm công nghiệp quy mô lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời phát triển khu công nghiệp - dịch vụ Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên) thành khu công nghiệp - dịch vụ đa năng gắn với cảng cửa ngõ Lạch Huyện và khu vực Đình Vũ của Hải Phòng.

Hà Nội hiện có Trung tâm logistics Hateco tại quận Long Biên và Trung tâm logistics đường sắt Yên Viên tại huyện Gia Lâm. Tại tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động ở lĩnh vực logistics. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty Tân Cảng tại Bắc Ninh (xã Châu Phong, huyện Quế Võ), Công ty cổ phần tập đoàn DABACO tại Tân Chi, huyện Tiên Du, Công ty cổ phần đầu tư Bắc Kỳ tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du và KCN Tiên Sơn…

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng hoạt động và dịch vụ logistics trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logistics liên hoàn. Tại Hải Phòng chưa có trung tâm logistics lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ,… Tại Quảng Ninh, dịch vụ logistics mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số dịch vụ đơn giản. Các dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như sửa chữa, bảo dưỡng tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ và siêu âm kiểm tra hàng hóa chưa thực hiện được.

Với mục tiêu đưa logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đem lại giá trị gia tăng cao, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh đều tìm cách khắc phục những bất cập, hạn chế, phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh của mình, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại hóa, thích ứng với xu thế phát triển của thương mại thế giới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực. Tỉnh Quảng Ninh ban hành kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics...

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh hình thành sáu trung tâm logistics tại: Cái Lân, Vân Đồn, Quảng Yên, khu hợp tác kinh tế Móng Cái - Đông Hưng, Hải Hà và Bình Liêu. Hải Phòng xây dựng và phát triển 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics, đồng thời, có chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn; cơ chế để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc, trung tâm dịch vụ logistics, hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin… Cùng với đó, tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống hạ tầng giao thông logistics (cầu, cảng, bến bãi) với các trung tâm dịch vụ logistics; phát triển nền tảng số, kết nối với mạng logistics toàn cầu, đưa tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 30 đến 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Hải Phòng đạt từ 20 đến 25%/năm.

Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm logistics hạng I ở phía bắc và một trung tâm logistics hạng II ở phía nam thành phố, quy mô từ 20 ha đến 50 ha. Các trung tâm này kết nối các cảng cạn, cảng biển và các cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp... Đồng thời, xây dựng một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của Hà Nội đạt từ 9% đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; xây dựng Hà Nội thành trung tâm logistics lớn, sôi động, mang đẳng cấp quốc tế ở khu vực phía Bắc.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO