Phát triển mô hình "4 nhà" tư vấn - nghiên cứu - đào tạo trong chuỗi cung ứng nông sản

Võ Thị Phương Thủy |24/06/2023 07:51

“Cần liên kết các đơn vị tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian. Liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới”, Viện trưởng VLI đề xuất.

Hôm qua (23/6/2023) tại TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống Logistics’’. Tọa đàm có sự tham gia của 85 đại biểu tham dự trực tiếp (Offline) và hơn 80 đại biểu tham dự qua hình thức trực tuyến trên Zoom Meeting.

8k1a9449.jpg
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản ký, lãnh đạo hiệp hội và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng logistics

Mục đích của tọa đàm nhằm trao đổi và chia sẻ những phân tích, ý kiến và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết của hệ thống logistics với ngành hàng nông sản nói chung và nông sản xuất khẩu nói riêng, nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam để thích ứng trước xu thế phát triển mới trong nước và quốc tế .

Tọa đàm được thực hiện dựa trên ý tưởng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) với sự tham gia đồng tổ chức của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cùng sự đồng hành của Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM).

Trong phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất- xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp logistics, đặc biệt các hội viên của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong việc xây dựng và phát triển hiệu quả một hệ thống logistics hướng tới phục vụ ngành hàng nông sản. Tăng cường hợp tác giữa 2 hiệp hội và giữa 2 hiệp hội với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) trong công tác nghiên cứu-tư vấn-dự báo-xúc tiến thương mại, cũng như cập nhật sự thay đổi của diễn biến trên thị trường thế giới đối với hàng nông sản. Đồng thời, duy trì và phát huy hơn nữa công tác truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, v.v... để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào lĩnh vực logistics dành cho hàng nông sản. Tạo điều kiện học tập, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về logistics hàng nông sản cho các doanh nghiệp. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập và tham quan thực tế.

"Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác cũng như thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản (đây cũng là 2 nhiệm vụ 34 và 43 trong 61 nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số: 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ", ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng TGĐ Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch VINAFRUIT cho rằng, để hoạt động chuỗi cung ứng đạt hiệu quả hơn, cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông sản: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn – Trạm sơ chế - Nhà máy – Kho lạnh – Hệ thống vận tải – Chiếu xạ – Cảng biển/hàng không. Liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Hoàng Phát chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc xuất khẩu hậu COVID-19. Bà đưa ra đề xuất và kiến nghị.

Thứ nhất, gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ, data logger, log tag trong quá trình vận chuyển. Thứ hai, kiểm soát chất lượng hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics (trong nước, khu vực và quốc tế). Thứ ba, nghiên cứu, cải thiện, và áp dụng những công nghệ mới, kể cả quản lý theo hướng tin học 4.0 để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính ổn định trong quá trình vận chuyển cũng như giảm giá thành logistics, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các bên tham gia chuỗi cung ứng. Cuối cùng, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các Hiệp hội ngành nghề nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản.

Theo bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu (Sơn La, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bình Thuận, Ninh Thuận…). Thời gian vận chuyển từ một số vùng nguyên liệu đến các đầu mối cảng biển/hàng không đã được rút ngắn rất nhiều vì thế cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực ĐBSCL để người nông dân/HTX có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất. Về phía doanh nghiệp, bà cho rằng, các doanh nghiệp Logistics nên áp dụng công cụ quản lý tiên tiến trong công nghệ 4.0: AI, Big Data, Blockchain… giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.

Đại diện ban tổ chức, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA); Trưởng Bộ Môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia Tp HCM đã chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục của hệ thống logistics "Chuỗi Lạnh" (Cold Chain) đối với hàng nông sản.

8k1a9656.jpg
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VLA và VINAFRUIT

Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, các mô hình sản xuất và xuất khẩu nông sản đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan rất gần gũi với Việt Nam và sẽ là các mô hình đáng chú ý mà các doanh nghiệp có thể tham khảo trong việc phát triển hiệu quả hệ thống logistics đối với nông sản xuất khẩu. "Để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam trong thời gian sắp tới, cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển mô hình liên kết, cụ thể là giải pháp về hạ tầng", bà chia sẻ.

Về thể chế chính sách và nguồn nhân lực, theo bà, cần thiết lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh: sản xuất-chế biến - thương mại; Quy hoạch đất cho các trung tâm/cụm logistics và trung tâm chế biến sau thu hoạch; Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là khung pháp lý, liên quan đến liên kết vùng, Cải thiện kết nối khu vực...Đồng thời, chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics (hạ tầng cứng và mềm ICT) và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch-hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản... Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cũng đã đề xuất một số dự án và chương trình tập huấn cụ thể.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng các chuyên gia tập trung phân tích về hiện trạng hệ thống Logistics Việt Nam; Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Xuất khẩu nông sản liên quan đến Logistics và cuối cùng là Những giải pháp, đề xuất và các hoạt động cụ thể để tăng cường sự phối kết hợp giữa các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động logistics đối với hàng nông sản, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Tọa đàm này, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) – về việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của việc phát triển hệ thống logistics hướng đến lĩnh vực nông sản, cũng như nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Qua đó thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) là “cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng được chiến lược phát triển hệ thống logistics phù hợp, sát thực tiễn và tối ưu nhất. Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản của Việt Nam.

Bế mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch VINAFRUIT kêu gọi các bên liên quan cùng tin tưởng với sự chung tay của Nhà nước, Nhà trường, Doanh nghiệp. "Tọa đàm đã đưa ra phân tích những vấn đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất khẩu hàng nông sản", ông nhấn mạnh.

Theo ông, sau buổi tọa đàm các định hướng để phát triển hệ thống logistics đối với mặt hàng nông sản cũng như sự kết nối giữa các hội viên của 2 Hiệp Hội VLA và VINAFRUIT sẽ được tăng cường nhiều hơn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu cho Việt Nam./.

Bài liên quan
  • Những thách thức trong xuất khẩu nông sản Việt
    Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới đang gặp phải nhiều thách thức do dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai... thì vấn đề nông sản và xuất khẩu nông sản càng trở nên quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mô hình "4 nhà" tư vấn - nghiên cứu - đào tạo trong chuỗi cung ứng nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO