Quá trình toàn cầu hóa không chỉ xảy ra với việc buôn bán giữa các nước, mà nó còn giúp cho việc hợp tác sản xuất. Hàng hóa có thể thực hiện ở nhiều quốc gia đối với một sản phẩm. Chúng ta lấy ví dụ công ty máy tính DELL nổi tiếng. Khi DELL nhận được yêu cầu sản xuất, lập tức họ gởi yêu cầu các bộ phận của máy tính như bàn phím ở Hồng Kông, các bộ vi xử lý ở Malaysia,… tất cả đều được gởi về Hoa Kỳ. Tại đây người ta lắp ráp, cài đặt chương trình, hoàn thiện sản phẩm và giao cho khách hàng. Chúng ta thấy ngày càng nhiều công ty đa quốc gia với những nhà máy đặt tại nhiều nước khác nhau, nhưng đều thực hiện cho những sản phẩm chung của công ty. Để hoạt động được, họ phải xây dựng những chuỗi cung ứng khác nhau cho mình nhằm thực hiện được sản phẩm chung, hoặc lớn hơn là các chương trình hành động chung.
Trong thương mại điển hình là việc các tập đoàn bán lẻ lớn mở rộng phục vụ nhiều mặt hàng sản phẩm của các nước, kể cả hàng tươi sống như cá, thịt,... và mở nhiều siêu thị ở các nước. Do vậy họ cũng phải có những chuỗi cung ứng rộng khắp và hoạt động hết sức hiệu quả. Tập đoàn bán lẻ WAL-MART nổi tiếng tự hào vì họ có thể bán món sushi bằng cá tươi sống đánh từ Nhật tại Akansas - Hoa Kỳ.
Những chuỗi cung ứng như vậy ra đời từ những năm 1960 của thế kỉ trước và phát triển ngày càng mạnh mẽ, nó vượt biên giới các quốc gia để nối liền người sản xuất và người tiêu thụ, để phối hợp sản xuất. Chính sự hợp tác trong sản xuất và thương mại giữa các quốc gia diễn ra trên phạm vi toàn cầu, hình thành nên quá trình toàn cầu hóa làm cho hàng hóa lưu thông dễ dàng đã tạo ra những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trên thế giới. Vì vậy, Thomas L. Friedman trong tác phẩm nổi tiếng của mình Thế giới phẳng đã nói một cách hình ảnh là ngày nay thế giới trở nên phẳng hơn do một số tác nhân, trong đó có chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng đang trong quá trình hội nhập với thế giới. Chúng ta đang cùng nỗ lực với các nước ASEAN để xây dựng một thị trường chung Đông Nam Á. Chúng ta có những hiệp định thương mại cởi mở với nhiều nước trên thế giới cũng là những nỗ lực theo hướng toàn cầu hóa. Chính những nỗ lực này làm cho dòng hàng hóa giữa nước ta và các nước trên ngày càng trôi chảy hơn, hay nói cách khác là giúp cho các chuỗi cung ứng hoạt động tốt hơn.
Nhưng chúng ta cần lưu ý là hàng hóa đến và đi không chỉ dừng lại hay bắt đầu tại một cảng biển, nhà ga, sân bay quốc tế. Nó còn phải đi trong phạm vi nước ta để đến nơi tiêu thụ, nơi sản xuất. Điều đó cho thấy cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho đoạn đường nội địa này của hàng hóa.
Những cố gắng đổi mới của ngành hải quan đã góp phần vào việc giúp dòng hàng hóa này trôi chảy hơn. Các quy chế về sự phối hợp giữa hải quan các tỉnh là một ví dụ cụ thể.
Năm 1999 khi nước ta bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu cá basa, các sản phẩm đông lạnh, các doanh nghiệp ở Cần Thơ, An Giang gặp một khó khăn là phải chở cá đông lạnh bằng xe lạnh về TP.HCM để đóng hàng xuất vào container. Việc này vừa tốn kém lại làm giảm chất lượng hàng vì xe không đảm bảo điều kiện lạnh và thời gian vận chuyển khá dài, hàng lại bị xếp dỡ nhiều lần... Khi đó hệ thống đường bộ không cho phép xe container chạy trên toàn tuyến, chưa kể là còn phải qua bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ rất tốn thời gian. Để có thể đóng hàng vào container trực tiếp từ kho nhà máy, duy nhất chỉ có thể đi đường thủy. Nhưng nếu hải quan không thay đổi quy định thì hàng về tới TP.HCM lại phải mở container ra để kiểm hóa. Làm như vậy thì cũng không đảm bảo cho hàng hóa, và các hãng tàu cũng không thể chấp nhận cách làm này. Vậy làm sao hàng có thể được Hải quan Cần Thơ hoặc An Giang kiểm hóa rồi niêm phong, về TP.HCM Hải quan TP.HCM chỉ thu nhận hồ sơ, kiểm tra niêm chì rồi làm thủ tục xuất? Công ty Hàng hải Sài Gòn, ngày nay là Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn, định tổ chức công việc chuyển tải này đã phối hợp với Hải quan Cần Thơ và Hải quan TP.HCM xây dựng phương án, và Hải quan TP.HCM đã xây dựng một quy chế trình Tổng Cục Hải quan ban hành. Nhờ có quy chế này việc xuất khẩu hàng đông lạnh từ Cần Thơ, An Giang... được phát triển mạnh mẽ, chất lượng hàng, ngay sau chuyến đi đầu tiên đã được bạn hàng Nhật Bản, một trong những khách hàng khó tính, công nhận tốt. Ngày nay quy chế này được mở rộng và áp dụng không chỉ riêng cho Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn và hai tỉnh Cần Thơ, An Giang. Rõ ràng là chính sự phối hợp giữa hải quan các tỉnh và được thể chế hóa qua các quy chế đã giúp cho hàng đông lạnh của ta xâm nhập mạnh mẽ thị trường thế giới. Với các bạn hàng của ta, chuỗi cung ứng của họ hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Sự kém phát triển của hệ thống giao thông vận tải của nước ta, kể cả các cảng biển, đã gây ra những khó khăn mà chúng ta cần cùng nhau tháo gỡ.
Hiện nay các cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu rút hàng, do vậy phải sử dụng đường thủy. Đối với những cảng có phân cảng nằm sâu trong đất liền, như Tân Cảng, thì việc làm này tương đối thuận lợi. Nhưng liệu chúng ta có thể mở rộng hơn quy chế chuyển tải container hàng nhập qua các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu về Đồng Nai, Bình Dương…? Điều này sẽ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp vì nếu buộc phải làm thủ tục nhập và kiểm hóa tại cảng nơi tàu đến thì container phải mấy lần xếp dỡ thêm như dỡ khỏi tàu hạ bãi kiểm hóa, xếp xuống sà lan, dỡ khỏi sà lan tại nơi đến để xếp lên xe kéo... Chi phí này rất tốn kém mà còn kéo dài thời gian lưu container. Nếu không hàng sẽ lại phải đi đường bộ trong khi quốc lộ 51 còn bị hạn chế khả năng thông qua. Nên chăng giữa các đơn vị làm công tác chuyển tải này phối hợp với Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cùng xem xét nghiên cứu đề xuất ra một thủ tục mới nhằm hợp lý công việc này?
Những nỗ lực như trên sẽ giúp nước ta phẳng hơn.