Phòng chống cháy nổ trong kinh doanh kho bãi: Nỗi lo còn đó

24/08/2017 14:56

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ước tính, ở Việt Nam có khoảng 3-4 triệu m2 đang làm dịch vụ kinh doanh kho bãi, không bao gồm diện tích kho bãi nằm trong các nhà máy, xí nghiệp. Do đó, việc phòng chống cháy nổ (PCCN) luôn là những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng năm vẫn xảy ra vài sự cố đáng tiếc. Đâu là bài học để cộng đồng doanh nghiệp logistics cùng chia sẻ?

(Vietnam Logistics Review) Ước tính, ở Việt Nam có khoảng 3-4 triệu m2 đang làm dịch vụ kinh doanh kho bãi, không bao gồm diện tích kho bãi nằm trong các nhà máy, xí nghiệp. Do đó, việc phòng chống cháy nổ (PCCN) luôn là những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng năm vẫn xảy ra vài sự cố đáng tiếc. Đâu là bài học để cộng đồng doanh nghiệp logistics cùng chia sẻ?

Trong công tác PCCN, ý thức người vận hành chiếm 70%, lực lượng phòng cháy tại chỗ 20%, lực lượng chuyên nghiệp chỉ đóng góp 10% vì khi đó đã tổn thất rồi. Thời gian “vàng” trong xử lý đám cháy là 3 phút trước khi vượt quá tầm kiểm soát.

Xuất phát từ mối quan tâm thực tế của hội viên VLA, Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) phối hợp cùng Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ Cảng Sài Gòn (Terseco) đã tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức phòng chống cháy nổ trong kinh doanh kho bãi. Tại Hội thảo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đã chia sẻ một số vấn đề chung trong quá trình PCCN và phương thức xử lý vấn đề khi sự cố xảy ra.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Theo thống kê của chuyên gia PCCN Nguyễn Thanh Chánh, tính từ đầu năm 2017, hầu như trung bình mỗi tháng có một vụ cháy lớn, bất kể ở đâu, cả các cơ quan nhà nước hay công ty nước ngoài. Đây đều là những tổn thất không ai mong muốn và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của những người lao động tại đơn vị và các khu vực nhà máy, khu dân cư lân cận.

Một số vụ cháy nổ đã xảy ra:

» 20h20 ngày 14.02.2017 xảy ra cháy tại kho quân trang thuộc Tổng cục hậu cần (Bộ Công an) số 199 Minh Khai, Hà Nội.

» 15h ngày 21.02.2017 đã xảy ra cháy lớn kho hàng phế liệu hàng trăm m2 tại đường Lò Lu, P. Trường Thạnh, Q. 9, TP.HCM.

» 8h30 ngày 7.3.2017 xảy ra cháy nổ ở nhà kho chứa sơn nước (rộng hơn 1.000m2) của Công ty Hoàng Sinh, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.

» Ngày 23.3.2017 tại kho vải của Công ty Kwong Lung-Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ) kéo dài suốt 24h đã gây thiệt hại hàng triệu USD.

» 9h ngày 06.4.2017 tại kho chứa hàng, phố Trần Kim Xuyến, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra cháy lớn thiêu rụi nhiều hàng hóa.

» 13h30 ngày 07.4.2017 cháy kho hàng đối diện tòa nhà Keangnam, Phạm Hùng, P. Mỹ Đình, Hà Nội.

» 18h ngày 05.5.2017 xảy ra cháy kho hàng điều hòa ở phố Tam Trinh, Q. Hoàng Mai, Hà Nội

» 4h30 ngày 27.5.2017 xảy ra cháy nổ ở kho chứa bột sắn của Công ty TNHH Việt Phúc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

» Tối 22.6.2017, cháy tại kho hàng của Công ty cổ phần kho vận miền Nam Sotrans, 1/7B Hoàng Diệu, P.13, Q.4, TP.HCM, thiêu rụi 5.000m2 kho hàng.

» 12h30 ngày 26.6.2017 cháy lớn trong kho nhựa ở khu làng nghề Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội.

» 11h30 ngày 03.7.2017 xảy ra cháy tại kho chứa bao bì và thiết bị xây dựng của công trình xây dựng Vinhome Centarl Park, Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q. Bình Thạnh.

Nguyên nhân

Trong các kho hàng hóa, nguyên vật liệu, tồn trữ với lượng lớn vật chất thể rắn sẽ rất dễ hình thành nên môi trường cháy. Ở các kho hàng, tuy vẫn có bảo vệ trực nhưng với diện tích lớn, có rất nhiều khu vực hàng hóa không có người hiện diện thường xuyên nên chỉ cần gặp điều kiện phù hợp, dù nhỏ như tia lửa điện, tàn thuốc lá chưa dập… sẽ xảy ra sự cố. Phần lớn các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ rơi vào các tình huống:

» Kết cấu xây dựng kho hàng chưa đúng tiêu chuẩn PCCC hiện đại. Điều này xảy ra với các kho hàng được xây từ lâu trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.

» Việc trang bị hệ thống điện chưa phù hợp về kỹ thuật PCCN, chưa coi trọng công tác PCCC ngay từ khi xây dựng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, kho bãi.

» Quan trọng nhất là thiếu phương án PCCC thích hợp, thiếu ý thức và thiếu kiến thức về PCCN trong vận hành kho bãi. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn có phương án ứng phó tình trạng khẩn cấp, vẫn tổ chức diễn tập hàng năm nhưng không ai dám đảm bảo mức độ tuân thủ 100% của nhân sự vận hành.

Những việc cần lưu ý để phòng chống cháy nổ

Trong công tác PCCN, ý thức người vận hành chiếm 70%, lực lượng phòng cháy tại chỗ 20%, lực lượng chuyên nghiệp chỉ đóng góp 10% vì khi đó đã tổn thất rồi. Thời gian “vàng” trong xử lý đám cháy là 3 phút trước khi vượt quá tầm kiểm soát. Do vậy, phòng cháy vẫn là công tác quan trọng hàng đầu. Các công việc lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ logistics có thể làm ngay là: » Thường xuyên kiểm tra ngăn ngừa các nguồn năng lượng gây cháy trong kho.

» Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các phương tiện PCCC theo đúng quy định về an toàn.

» Sắp xếp vật liệu trong kho thành nhiều khu vực, kho riêng.

» Đào tạo, nhắc nhở thường xuyên về ý thức và kiến thức PCCC cho nhân sự vận hành.

Khi gặp sự cố, hãy nhớ ngay đến bảo hiểm

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp của công ty Bảo hiểm Bảo Long cho biết, ngay sau khi nhận thông tin báo cháy từ Sotrans, đại diện công ty Bảo Long đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường, trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến tham gia chữa cháy. Thông thường, khi xảy ra sự cố cháy nổ, tâm lý vẫn trông đợi biện pháp đền bù của bên bảo hiểm trên tổn thất, ít ai để ý đến quy trình xử lý vấn đề. Trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm là đồng hành cùng khách hàng, chia sẻ rủi ro với khách hàng, và để hỗ trợ khách hàng tốt nhất, cả khách hàng và công ty bảo hiểm phải tuân thủ những nguyên tắc làm việc rõ ràng.

Về phía khách hàng, bà Thủy cho biết nhân sự công ty bảo hiểm sẽ tham vấn cho khách hàng về việc phải xem xét, đáp ứng các tiêu chuẩn về PCCN, chẳng hạn: Các quy trình nguy hiểm phải chọn lựa, đào tạo, hướng dẫn nhân viên vận hành phù hợp; các nguồn nhiệt phải được xây dựng chắc chắn; các chất lỏng dễ cháy phải có biện pháp quản lý đặc biệt; các vật liệu đóng gói dễ cháy phải hạn chế số lượng tồn trữ tối thiểu; việc hàn cắt kim loại chỉ được phép thực hiện theo nội quy; nghiêm cấm hút thuốc tại khu vực dễ cháy nổ. Trong đó, quan trọng nhất là phải xây dựng đầy đủ các quy trình, quy phạm về an toàn, bảo dưỡng, quản lý, có phương án PCCC, phổ biến đến tất cả các nhân viên. Khi gặp sự cố không may, khách hàng đã mua bảo hiểm cần:

» Thực hiện công tác đề phòng hạn chế tổn thất hợp lý.

» Thông báo tổn thất/khiếu nại kịp thời.

» Tuân thủ quy định an toàn, nếu không thì công ty bảo hiểm sẽ không giải quyết bồi thường.

» Hợp tác và hỗ trợ công ty bảo hiểm trong việc xác minh thiệt hại, bảo đảm quyền tiếp cận hiện trường, bảo lưu tài sản tổn thất (mà không được từ bỏ).

» Cung cấp đầy đủ các thông tin, hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, sổ sách kinh doanh trong trường hợp được công ty bảo hiểm yêu cầu với mục đích chứng minh và tính toán thiệt hại.

Sự hợp tác của khách hàng với công ty bảo hiểm là rất quan trọng để giải quyết thỏa đáng bởi không phải cháy là mất hết. Trong trường hợp của Sotrans, chỉ 5 ngày sau sự cố đáng tiếc nói trên, công tác kiểm đếm, phân loại, thống kê tổn thất đã hoàn thành và các kho hàng không bị ảnh hưởng đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh như bình thường. Sự đồng hành của các công ty bảo hiểm cũng góp phần vào việc hỗ trợ Sotrans vượt qua được giai đoạn khó khăn nói trên.

Bà Thủy cho biết, bảo hiểm cháy nổ có rất nhiều gói. Khi nhìn ở góc độ chi phí, phần lớn doanh nghiệp đều muốn mua bảo hiểm ở mức thấp nhất, nghĩa là mức độ bảo vệ cũng thấp nhất. Tuy nhiên, nhân sự bảo hiểm có trách nhiệm tham mưu cho khách hàng tình hình thực tế và gói bảo hiểm phù hợp, chứ không phải bán gói có chi phí bảo hiểm thấp nhất.

Tìm kiếm tiếng nói chung thông qua trọng tài kinh tế

Luật sư Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng trọng tài Việt Nam (VIAC) dẫn chứng một tình huống về xử lý tranh chấp giữa đơn vị mua bảo hiểm cháy nổ với đơn vị cung cấp bảo hiểm cháy nổ để các doanh nghiệp nhìn được quá trình xử lý của Hội đồng trọng tài. Rốt cuộc, một trong những nút thắt mà hai bên chưa thống nhất với nhau lại là ở chuyện định nghĩa hàng hóa nào được đền bù. Theo định nghĩa trong thuật ngữ kế toán Việt Nam, chỉ có khái niệm “hàng hóa tồn kho” chứ không có khái niệm “hàng hóa lưu kho”, nên việc xác định hàng hóa tổn thất trong sự cố lại trở nên khó khăn đối với tình huống hàng hóa đang trong quá trình sản xuất (sản phẩm dỡ dang).

Còn nhớ, Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp nước ngoài trong ngành nguyên liệu may mặc, khi tiếp khách, điều đầu tiên ông trao đổi là hướng dẫn về nguyên tắc an toàn, lối thoát hiểm nằm ở đâu, ứng xử gì khi nghe chuông báo cháy. Ông lặp lại điều đó với mỗi người ông gặp tại công ty, một cách rất thành tâm. Thiết nghĩ, sự chuyên nghiệp bắt đầu từ những câu chuyện nho nhỏ như vậy.

Một khi hai bên đã đưa tranh cãi ra tòa chỉ còn có thể dựa trên những thỏa thuận cụ thể trên hợp đồng và hợp đồng cũng phải phù hợp với pháp luật. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp khi mua bảo hiểm PCCN cũng phải rà soát hợp đồng của đơn vị bảo hiểm, không phải nhất nhất tuân theo hợp đồng mẫu mà phải đảm bảo tính phù hợp giữa hai bên. Hiện nay, VLA có tiểu ban pháp lý để hỗ trợ hội viên khi cần thiết.

Tổng kết lại, đã kinh doanh dịch vụ kho bãi, trách nhiệm chung của các doanh nghiệp logistics là đảm bảo an toàn cho hàng hóa của khách hàng tín nhiệm giao quản lý. Có phương án PCCC phù hợp, chính xác và phổ biến đến tất cả nhân viên có liên quan là nền tảng cơ bản cho các doanh nghiệp logistics. Không nên tiếc chi phí khi đầu tư vào các phương tiện PCCC bởi chẳng ai muốn phải sử dụng đến các phương tiện này. Trường hợp xảy ra sự cố, hãy xử lý trong bình tĩnh, bên bảo hiểm sẽ là người đồng hành trong lúc khó khăn này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống cháy nổ trong kinh doanh kho bãi: Nỗi lo còn đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO