Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Du khách khi tham gia tour khám phá rừng nguyên sinh phía bắc đảo Phú Quốc thường ghé tham quan và thắp hương tại đền thờ Nguyễn Trung Trực – một vị anh hùng dân tộc thời chống thực dân Pháp. Những chiến công hiển hách của ông đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Hàng năm, vào ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch, tại đền thờ có tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày hy sinh của ông. Lễ hội không còn bó hẹp là tín ngưỡng của người dân địa phương mà đã trở thành một hoạt động văn hóa thường niên thu hút ngày càng nhiều du khách tham gia.
Đình thần Dương Đông
Tại Phú Quốc, đình thần Dương Đông là một trong những ngôi đình được nhiều người biết đến, xây dựng năm 1959 và sớm lập thành hội quán nhằm quy tụ các sắc thần của chín ngôi làng, thuận tiện cho các hoạt động tín ngưỡng, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền nhân. Hằng năm vào ngày mùng 10 tháng giêng và ngày rằm tháng 7 Âm lịch, tại đình thần, nhiều nghi lễ được tổ chức long trọng trong không khí trang nghiêm để tưởng nhớ những người có công trong cuộc khai khẩn. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết của cư dân trên đảo và cũng là dịp để du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình.
Nhà lao Cây Dừa
Nhà lao Cây Dừa đón du khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1996. Mỗi năm khu di tích đón hơn 10 nghìn lượt khách, đó là những cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, các bạn trẻ tới tìm hiểu về lịch sử và trong số đó, số lượng khách nước ngoài cũng ngày một tăng. Nhà lao này được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xóm Cây Dừa trước đây nên mới có tên gọi như vậy. Thời Việt Nam Cộng Hòa, nhà lao Cây Dừa được mở rộng trở thành trại giam lớn nhất đương thời với tên gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc hay Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Khu di tích ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như giữ nguyên vị trí.
Về ca dao, dân ca truyền thốngNgười dân Phú Quốc đến từ nhiều nơi khác nhau nên kho tàng dân ca ở đây rất đa dạng về sắc điệu nhưng không pha tạp. Ngoài âm hưởng và hình thức diễn xướng đậm dấu ấn dân ca Nam Bộ (vọng cổ, cải lương, điệu hò, điệu lý…), dân ca Phú Quốc chịu ảnh hưởng của dân ca miền Trung khá lớn. Nếu ngành du lịch Phú Quốc lồng ghép các nét văn hóa truyền thống này vào các hoạt động du lịch thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách hơn nữa.
Sản vật
Bên cạnh những nét đẹp về văn hóa và con người thì khi nhắc đến Phú Quốc không thể không nhắc đến những sản vật nổi tiếng ở đây. Một trong những sản vật đó chính là nước mắm, loại đặc sản được xem là lâu đời, truyền thống của Phú Quốc với độ thơm ngon và chất lượng cao, nổi danh với nhiều thương hiệu lâu đời. Nước mắm Phú Quốc thường được khách du lịch mua về làm quà, hiện nay là sản phẩm được xuất khẩu mạnh sang châu Âu và ngày càng được ưa chuộng.
Ngọc trai cũng là một mặt hàng thu hút khách du lịch tại Phú Quốc. Ở Phú Quốc có rất nhiều cơ sở nuôi cấy ngọc trai với chất lượng cao và ngọc trai được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm. Du khách thoải mái lựa chọn những hạt ngọc đẹp, ưng ý nhất cho bản thân hay làm quà cho bạn bè.
Du khách khi đến Phú Quốc cũng đừng quên nếm thử những món ngon tại nơi đây như: cơm ghẹ, chả ghẹ, gỏi cá nhòng, cá trích, ốc vá, ốc hương, hủ tiếu tôm mực, canh chua sả nghệ, khô thiều, tiết canh cua, hải sâm Phú Quốc… Những món ăn này thường được du khách tự chế biến sau khi đánh bắt trực tiếp từ biển lên và thưởng thức bên bờ biển hoặc trong các căn nhà sàn lộng gió. Bên cạnh đó, Phú Quốc còn có một số đặc sản khác như: rượu Sim, rượu Mỏ Quạ, hồ tiêu Phú Quốc.