Quy hoạch và tổ chức quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và tiến độ đầu tư của doanh nghiệp là nhận định của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam về công tác quy hoạch phát triển cảng biển ở nước ta thời gian qua.
Nhỏ, lẻ đến bao giờ?
Cần phải nói rằng, quy hoạch là một định hướng chiến lược, là cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hình thành hệ thống cảng biển liên hoàn với các hệ thống giao thông khác như đường sắt, đường bộ, đường sông và các trung tâm kinh tế, nguồn nguyên liệu...
Tuy nhiên, đáng buồn là theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, sau một thời gian triển khai quy hoạch cảng biển, đã bước đầu xuất hiện những bất cập, trong đó đáng kể đến đầu tiên là vấn đề quy mô cảng. Một thực thế dễ nhận thấy hiện nay là các quy hoạch cảng biển của ta cho phát triển quá nhiều cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, nhất là những cảng chuyên dùng cho các tàu container.
Cũng từ đây, đã xảy ra sự phát triển manh mún các cảng trên khu vực sông Cấm ở Hải Phòng và sông Sài Gòn ở TP.HCM. Ngay cả cụm cảng mới nổi tại khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng được các chuyên gia nhận định là không khác gì nhà mặt phố chia lô. Cùng chung tình trạng trên, khu vực miền Trung đang đối mặt với tình trạng cảng thừa cứ thừa mà thiếu vẫn cứ thiếu.
Thống kê cho thấy, toàn miền Trung hiện có khoảng 20 cảng biển. Phần lớn trong số này chỉ chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng rồi đem đến các cảng lớn như Hải Phòng, TPHCM để xuất đi các nước, do đó hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động không hết công suất.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các nhà nghiên cứu, là do các tỉnh, thành ven biển đầu tư xây cảng biển, nhưng thiếu trọng tâm, không đánh giá đúng lượng hàng thông qua cảng trước khi xây dựng, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất.
Tình trạng đầu tư cảng biển theo phong trào đã khiến miền Trung dù có tới 20 cảng biển nhưng nếu kể số cảng nước sâu, có thể đón tàu lớn vào làm hàng cũng chỉ có thể nhắc đến vỏn vẹn 2 cảng Tiên Sa, Quy Nhơn.
Đồng bộ trong quy hoạch - chuyện không mới, vẫn “nóng”
Đồng bộ trong quy hoạch không phải là chuyện bây giờ mới nói, thế nhưng bấy lâu nay, việc thiếu đồng bộ giữa cảng biển với luồng lạch, cầu đường ra vào cảng vẫn là rào cản lớn cho sự phát triển của hệ thống cảng biển nước ta. Về vấn đề này, đại diện cảng Hải Phòng bức xúc: Quy hoạch cảng biển chưa được kết nối kinh tế vùng miền... Hầu hết các cảng hiện nay gặp khó khăn rất lớn về luồng cạn. Cùng với đó là việc triển khai vô cùng chậm trễ các dự án đường bộ, đường sắt qua cảng...
Khắc phục tình trạng này, tại Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) vừa có văn bản kiến nghị Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch. Nếu điều kiện thực tế cho phép, cần linh hoạt điều chỉnh những chỉ tiêu mang tính hạn chế trong quy hoạch để đón đầu thị trường.
Trước mắt, VPA kiến nghị cần có biện pháp đảm bảo thực hiện kịp thời việc xây dựng, nâng cấp, duy tu các hạng mục cầu đường luồng lạch ra vào cảng đang được đầu tư khai thác. Cụ thể là đường nối QL5 với khu vực cảng Đình Vũ tại Hải Phòng, các tuyến đường hậu phương nối cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, liên tỉnh lộ 25B vào cảng Cát Lái - TP.HCM, đường nối vào các cảng Hiệp Phước, Bến Nghé... đồng thời xem xét, xúc tiến nhanh những dự án trục giao thông đường bộ và đường sắt quy mô lớn kết nối liên vùng và với các cảng trọng điểm.
Cùng với đó, VPA cũng kiến nghị nạo vét, duy tu luồng lạch ra vào các cảng Cần Thơ, Hải Phòng, các cảng biển khu vực miền Trung. Riêng luồng vào cảng khu vực Thị Vải - Cái Mép cần xem xét thêm việc nâng cấp, công bố mở luồng kịp thời theo nhu cầu thị trường.
Đối với luồng vào sông Hậu, cần có biện pháp nạo vét, duy tu luồng hiện hữu để duy trì tình trạng luồng ít nhất cho tàu ra vào thuận tiện như cũ trong khi chờ đợi hoàn thành dự án mở luồng qua kênh Quan Chánh Bố...
Hà Linh