Quy hoạch phát triển logistics Đồng Nai

28/05/2014 14:40

(VLR) Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai trên thực tế đã sớm hình thành hệ thống logistics. Tỉnh đã chú ý nâng cấp, cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng với việc phát triển sản xuất XNK phù hợp quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời quan tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi, hỗ trợ DN sản xuất XK và DN cung ứng dịch vụ logistics phát triển hoạt động trên địa bàn.

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai trên thực tế đã sớm hình thành hệ thống logistics. Tỉnh đã chú ý nâng cấp, cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng với việc phát triển sản xuất XNK phù hợp quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời quan tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi, hỗ trợ DN sản xuất XK và DN cung ứng dịch vụ logistics phát triển hoạt động trên địa bàn.

THỰC TRẠNG LOGISTICS VÀ QUY HOẠCH LOGISTICS TẠI ĐỒNG NAI

Ưu điểm nổi bật đối với Đồng Nai là sự phát triển nhanh và ổn định các khu công nghiệp (KCN) từ đó phát luồng các chuỗi cung ứng hàng hóa mà phần lớn phục vụ tiêu dùng cả nước và toàn cầu. Với số lượng 31 KCN, dẫn đầu cả nước về số lượng (có 28 KCN đang hoạt động tính đến 11.2013) trong đó có 1.059 DN FDI còn hiệu lực với tổng vốn 19,48 tỉ USD (so với 1.381 dự án với tổng số vốn đăng ký 24,319 tỷ USD). Đây cũng là tiền đề phát triển XNK của Tỉnh cũng như phát triển kinh tế của đất nước nói chung.

Ưu điểm thứ hai là các hoạt động tạo thuận lợi và hỗ trợ cho DN, trong đó nổi lên công tác hải quan, một mắc xích quan trọng của phát triển dịch vụ logistics. Với kim ngạch XNK năm 2013 là 21,866 tỷ USD tăng 7,87% so với cùng kỳ, chiếm tỉ lệ 8,26% kim ngạch cả nước, trong đó kim ngạch XNK làm thủ tục tại Hải quan Đồng Nai đạt 19,4 tỷ USD, tỉ lệ 89%, bình quân đơn vị tiếp nhận làm thủ tục 2.063 tờ khai/ngày. Như vậy, Hải quan Đồng Nai đã đóng góp tích cực cho việc lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh, để phục vụ các chuỗi cung ứng trên đây, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai trên thực tế đã sớm hình thành hệ thống logistics, ngoài các thiết chế pháp lý (thủ tục hải quan, tiếp cận đất đai, hỗ trợ DN… như nói trên), Tỉnh đã chú ý nâng cấp, cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng GTVT đáp ứng với việc phát triển sản xuất XNK như tổ chức lại các khu cảng, các ICD, kho ngoại quan, CFS… phù hợp với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời quan tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi, hỗ trợ các DN sản xuất XK cũng như DN cung ứng dịch vụ logistics phát triển hoạt động trên địa bàn. Có thể nói Đồng Nai ở vào vị trí đắc địa với hệ thống giao thông thuận tiện nơi nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc - Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tuy chưa chính thức có một quy hoạch đồng bộ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn như các tỉnh lân cận (Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...), gần đây Tỉnh đã bước đầu quan tâm đến quy hoạch phát triển các dich vụ có lợi thế và có giá trị gia tăng cao “Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn như dịch vụ vận chuyển, kho bãi, cảng vận, logistics...” (VB số 10063/UBND ngày 22.11.2013 của UBND tỉnh Đồng Nai), trong đó có thể kể đến Chương trình hành động thực hiện chiến lược XNK thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (QĐ số 82/QĐ-UBND ngày 9.1.2013) theo chỉ đạo của Thủ tương Chính Phủ (QĐ 950/QĐ-TTg đã dẫn trên) hoặc như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai đến 2020 và có tính đến 2025 (QĐ 496/QĐ-UBND ngày 20.2.2012). Đây cũng là một ưu điểm!

Tuy vậy, mặt tồn tại, có thể tham khảo bộ chỉ số PCI, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, theo đó từ năm 2013 Đồng Nai đã tụt hạng (xếp hạng 40!) sau khi giữ các vị trí cao những năm trước đó (hạng 9) đặc biệt các chỉ số về tính năng động và tính minh bạch (!) đang có khuynh hướng đi xuống. Giải thích về các đánh giá này, Hiệp hội VLA có thể nêu ra các hạn chế của trong lĩnh vực phát triển logistics (một số trong đó Tỉnh cũng đã nhìn thấy):

- Quy hoạch phát triển các KCN cũng như giao thông vận tải trên địa bàn còn mang tính tự phát và “chữa cháy” hơn là các quy hoạch mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hơi, bền vững.

Chậm quy hoạch phát triển logistics dẫn đến thiếu hoặc chưa phù hợp về vị trí các cơ sở hạ tầng logistics, thiếu kết nối đặc biệt kêt nối đa phương thức với các cảng cửa ngõ và trung chuyển. Tình trạng quá tải, ùn ứ trên đường bộ, cầu đường cũ hẹp, lệ thuộc quá nhiều vào đường bộ cũng như dòng chảy hàng hóa nguyên liệu lệ thuộc phần lớn vào các cảng TP.HCM… Tình hình trên khiến chi phí logistics tại Đồng Nai trong thời gian qua là khá cao ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của hàng hóa XNK đến/từ Đồng Nai.

- Đầu tư CNTT cho logistics tại Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung, hiện mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm hoặc ban đầu (khai quan điện tử), các kết nối DN-DN (B2B), hệ thống thông tin nội bộ và DN với cơ quan quản lý chưa hiệu quả và ảnh hưởng lên chi phí logistics.

- Về phía các thương nhân/DN sử dụng dịch vụ logistics tại địa bàn vẫn chưa tin tưởng và thuê ngoài dịch vụ của các DN cung cấp dịch vụ logistics VN trong khi đó các DN FDI thường thuê ngoài một phần các DN 2PL VN hoặc chỉ chọn những nhà 3PL có mối quan hệ được chỉ định trong hệ thống. Tình hình này dẫn đến nhiều bất lợi trong việc cạnh tranh đối với các DN cung cấp dịch vụ logistics VN cũng như chi phí và chất lương dịch vụ logistics sẽ mang lại.

- Do quá gần với TP.HCM, nơi tập trung nhiều DN cung cấp dịch vụ logistics nên một tỉ lệ lớn các DN này có vai trò chi phối trên địa bàn Đồng Nai, trong số đó không ít các DN này không thành lập chi nhánh/VPĐD ở Đồng Nai nên trên thực tế sẽ là hạn chế về tính đáp ứng cũng như chi phí (do không có bến bãi, kho tại Đồng Nai).

- Chất lượng nguồn nhân lực (từ phía DN cung cấp dịch vụ, DN sử dụng dịch vụ, kể cả các đối tượng quản lý) chưa đáp ứng cho việc phát triển logistics trên địa bàn Đồng Nai đang còn nhiều khoảng cách với yêu cầu cũng làm giảm chất lượng và hiệu quả dịch vụ logistics.

MỤC TIÊU

- Tạo ra động lực mới đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Đồng Nai, góp phần thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong vài năm tới Đồng Nai nằm trong top 10 các địa phương có kim ngạch XNK, thu hút đầu tư FDI cao trong cả nước.

- Kéo giảm chi phí logistics tại địa bàn, từ đó giảm chi phí logistics cả nước trên cơ sở đó gia tăng cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm của VN, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược XK trong thời gian tới.

- Hiện đại hóa dịch vụ logistics theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường hội nhập khu vực và quốc tế.

- Ổn định chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) (phấn đấu nằm trong top 10), có sức thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Hiệp hội VLA tán thành các giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra cho năm 2014: Tập trung thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cảng và những dịch vụ hỗ trợ phát triển cảng như phát triển dịch vụ vận chuyển, kho bãi, dịch vụ logisticsvà các nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại QĐ 82/QĐ-UBND ngày 9/1/2013, điểm 4,Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics.

Tuy nhiên các giải pháp chủ yếu về quy hoạch phát triển logistics thời kỳ 2014-2020 cần tham khảo các quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (2011), vùng Đông Nam bộ, quy hoạch cảng biển Đông nam bộ (nhóm 5), các quy hoạch hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics, quy hoạch điều chỉnh cảng biển, vận tải biển, vận tải đường bộ, đường sắt… cho thời kỳ 2020, định hướng tới 2030. Đặc biệt gần đây có QĐ 169/QĐ-TTg ngày 22-1-2014 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt phát triển dịch vụ logistics trong GTVT VN đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 cũng như Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2013-2020 ( 4.2014).

Chúng tôi chỉ lưu ý cần quan tâm phát triển các loại hình doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn theo hướng dịch vụ logistics tích hợp 3PL (trọn gói) kể cả việc thu hút các doanh nghiệp FDI về loại hình này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Bên cạnh, đối với các thương nhân/DN sử dụng dịch vụ logistics cần khuyến khích họ thuê ngoài dịch vụ logistics nhằm tiết giảm chi phí logistics (mục tiêu đề ra ở cấp độ quốc gia tỉ lệ thuê ngoài 40% cho thời kỳ 2020). Mặt khác, cũng cần đề ra các khuyến khích và cam kết hỗ trợ (cơ chế đất đai, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT, cải cách thủ tục hành chính…) các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án dịch vụ logistics tại các khu cụm công nghiệp, cảng sông, trung tâm logistics… bằng các mô hình như đối tác công tư (PPP)… hoặc Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng bến bãi, đường bộ cho thuê, khai thông nạo vét đường thủy...

Về các chương trình trọng điểm: Hiệp hội VLA đề xuất 3 chương trình trọng điểm trong thời gian tới:

Chương trình 1: Khảo sát và lập Đề án quy hoạch phát triển dịch vụ logistics tại Đồng Nai.Chương trình này nên triển khai sớm. (Hiệp hội VLA, Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics có thể hỗ trợ việc này).

Chương trình 2: Xây dựng Đề án Phát triển khu vực Cảng Đồng Nai trở thành trung tâm logistics + Cảng trung chuyển và Đề án Thành lập khu ICD ( có thể phát triển thành Trung tâm logistics khi có điều kiện) tại khu vực Long Thành hoặc Nhơn Trạch . Hai đề án này nhằm kết nối đường thủy nội địa với các Cảng TP.HCM và Cái Mép (Vũng Tàu) và tạo thêm cơ sở hạ tầng phục vụ các KCN sản xuất chế biến kế cận tại khu vực phía Đông...

Chương trình 3: Diễn đàn Logistics Đồng Nai (Dongnai Logistics Forum) là cơ chế đối thoại hàng năm giữa DN (sản xuất, XNK và Dịch vụ logistics) và Tỉnh Đồng Nai nhằm tìm ra các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Hải quan Đồng Nai và Sở GTVT Đồng Nai là 2 đơn vị nòng cốt tổ chức. Hiệp hội VLA, Tạp chí Vietnam Logistics Review bảo trợ chuyên môn và thông tin. Chương trình này có thể tiến hành ngay trong năm 2014.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phát triển logistics Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO