Quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 có thể đạt mốc 15 tỷ USD
Thống kê cho thấy thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua.
Ngày nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh.
Về tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, hiện tại, có hơn 96 triệu dân số, 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội, 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần.
Doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2018 tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 5 tỷ USD và 6,2 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 20% và 24%. Dự kiến, doanh thu bán lẻ TMĐT 2020 có thể dự báo con số khả quan hơn rất nhiều, sẽ đạt khoảng 13 - 15 tỷ USD.
Chương trình phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 của Việt Nam đã đặt ra 7 mục tiêu chính, gồm xây dựng kết cấu hạ tầng TMĐT; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về TMĐT; đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; Hợp tác quốc tế về TMĐT và Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển TMĐT.
Hiện nay, khung chính sách cho phát triển Kinh tế số (KTS) tại Việt Nam đang dần hoàn thiện với những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KTS đã có cơ sở khá đầy đủ.
Cụ thể, Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử. Việt Nam nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng.
Thương mại điện tử (TMĐT) tại các thành phố lớn ở Việt Nam khá phát triển, nhưng việc hỗ trợ TMĐT tại các địa phương còn rất kém, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa. Song song với kế hoạch phát triển tổng thể, cần hoàn thiện chính sách cho KTS cũng như quy mô của thị trường bằng cách thúc đẩy TMĐT tại các địa phương.
Hệ thống logistics kém phát triển là một trong những trở ngại chính trong phát triển TMĐT tại những nơi này. Trong khi TMĐT là công cụ giúp đưa hàng hóa, nông sản của nhiều địa phương đi xa hơn, đến các thị trường trong nước và thế giới, nhưng khi logistics và TMĐT chưa phát triển nên quá trình này đến nay còn rất nhiều hạn chế.
Nhà nước cần tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng TMĐT. Đây cũng chính là mục tiêu mà Cục TMĐT sẽ cải tiến trong Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn sau năm 2020.