(Vietnam Logistics Review) Ngày 26.10, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp tìm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất. "Phải xác định CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là hình ảnh của đất nước, không phải của riêng ngành hàng không hay của TP HCM. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm cùng nhau xây dựng hình ảnh đó ngày một tốt hơn", Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
Rõ nguyên nhân mới có giải pháp trúng và đúng
Ngay đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý các cơ quan cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, giải pháp khắc phục, bao gồm cả trước mắt và lâu dài, không đổ lỗi cho nhau. “Chúng ta phải xác định được nguyên nhân thực sự do đâu, làm rõ cái gì có thể khắc phục được ngay, cái gì phải lâu dài từ đó có giải pháp hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ tại Tân Sơn Nhất chưa được như mong muốn là do cảng này đang bước vào giai đoạn quá tải. “CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được quy hoạch công suất 25 triệu hành khách/năm. Đến 21/10, cảng đã đón 21,7 triệu hành khách, dự kiến đến hết năm sẽ đón 26 triệu, trong khi đó công suất thiết kế hiện nay là 23 triệu khách, tức là đã bắt đầu quá tải”, ông Thanh nói.
Cùng đó, cảng cũng đang trải qua quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách quốc nội, mở rộng và xây dựng mới các vị trí đỗ tàu bay,… ảnh hưởng đến hoạt động khai thác phục vụ hành khách. Tình trạng ùn tắc trên đường lăn khiến máy bay chậm cất, hạ cánh cũng như ùn tắc khi làm thủ tục hàng không, gây mệt mỏi cho khách.
Cũng theo ông Thanh, do mặt bằng nhà ga hạn chế nên Tân Sơn Nhất khó phát triển được các dịch vụ tiện ích cho hành khách. Hệ thống giao thông tiếp cận nhà ga yếu kém, liên tục bị kẹt trong giờ cao điểm, đỗ, dừng, khai thác taxi hết sức khó khăn do mặt bằng kém… cũng gây nhiều bức xúc cho hành khách.
Liên quan đến việc thực hiện “4 xin, 4 luôn”, ông Thanh cho rằng, dù đã được triển khai nhưng trong giờ cao điểm, do áp lực công việc, thái độ, tính chuyên nghiệp của nhân viên hàng không bị ảnh hưởng.
Từ đây, ông Thanh đề xuất giải pháp trước mắt có thể làm ngay là nâng cấp dịch vụ wifi trong tháng 12, chấn chỉnh dịch vụ vệ sinh, thay đổi phương án giao thông trước cửa nhà ga hợp lý hơn, tránh xung đột. “Hiện Cục Hàng không VN yêu cầu các đơn vị công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của khách. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai đánh giá sự hài lòng của hành khách qua nhiều kênh, thay vì chỉ kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định của các cơ quan như trước đây”, ông Thanh khẳng định.
Về lâu dài, ông Thanh cho rằng, trong khi chờ xây dựng CHK quốc tế Long Thành, cần tích cực phối hợp với quân chủng phòng không không quân tiếp nhận 4 ha để mở rộng sân đỗ, mở rộng nhà ga quốc tế; nâng năng lực điều hành bay lên 40 chuyến bay giờ cao điểm…
Theo Giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú, bên cạnh khó khăn về hạ tầng, rõ ràng có lỗi chủ quan, có thể khắc phục ngay. “Chắc chắn trong tháng 12, cảng sẽ khắc phục được tình trạng wifi kém. Cảng cũng đã đấu thầu chọn nhà thầu vệ sinh và xây dựng tiêu chí giám sát thực hiện. Thái độ, tính chuyên nghiệp của nhân viên hàng không sẽ tiếp tục được cải thiện”, ông Tú cam kết.
Giãn khung giờ cao điểm, tăng thời gian khai thác trong ngày
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, phải xác định CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là hình ảnh của đất nước, của quốc gia, không phải là của ngành Hàng không, ngành GTVT hay của TP HCM. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm cùng nhau xây dựng hình ảnh đó ngày một tốt hơn.
“Rõ ràng là chất lượng dịch vụ tại Tân Sơn Nhất còn tồn tại rất nhiều bất cập dù các lực lượng có liên quan đã rất nỗ lực, có sự phối hợp với nhau. Vấn đề là sản phẩm cuối cùng chưa tốt. Muốn người dân nghĩ tốt, nói tốt về mình, bản thân mình phải làm tốt lên. Chúng ta đã cố gắng rồi nhưng vẫn còn dư địa để cố gắng”, Bộ trưởng nói và chỉ rõ, không nên chỉ đổ lỗi cho hạ tầng mà bản thân các cơ quan phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn.
Nếu không tìm đúng nguyên nhân, không có được giải pháp, sẽ lại đi vào ngõ cụt. Vấn đề là phải tìm được nguyên nhân ở đâu và phải khắc phục. Rõ ràng nguyên nhân chủ quan còn nhiều. Có nhiều việc không đáng xảy ra nhưng vẫn để xảy ra. “Cái khó phải ló cái khôn chứ đừng để cái khó bó cái khôn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không VN phải hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá đúng thực trạng, không tô hồng, không bôi đen từ đó xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Truy rõ chất lượng dịch vụ trong từng khâu, từng công đoạn. Bộ trưởng yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác liên ngành do Cục Hàng không VN làm Tổ trưởng, rà soát đánh giá các công đoạn phục vụ hiện nay từ mặt đất, trên trời, trong và ngoài sân bay.
“Phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, đánh giá cho chính chúng ta, để từ đó làm tốt hơn lên chứ không phải để xếp hạng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu Cục Hàng không VN, Vụ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét điều chỉnh quy hoạch, chiến lược phát triển hàng không cho phù hợp, hoàn thành trong quý IV, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Hàng không VN sắp xếp lại slot cho phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở khai thác hiệu quả các CHK theo nguyên tắc giãn khung giờ cao điểm, tăng thời gian hoạt động trong ngày và có chính sách giá cho phù hợp, ưu tiên các chuyến bay quốc tế, quốc tế nối chuyến nội địa. Phía hãng hàng không cũng phải có chính sách giá nhằm khuyến khích khách hàng bay đêm, tránh giờ cao điểm. Tổng công ty Quản lý bay VN phải nâng cao trình độ, nâng năng lực điều hành lên 40 chuyến/h nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu an toàn là số 1…
Cùng đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan liên quan rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, thông tư, nghị định hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. “Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ xin một số cơ chế đặc thù để xử lý các tồn tại tại Tân Sơn Nhất. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo nâng chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không”, Bộ trưởng nói.