RFID: Công nghệ tương lai (Phần cuối)

10/10/2016 08:58

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ứng dụng của RFID không chỉ nhìn thấy được ở các quốc gia phát triển trên thế giới mà tại Việt Nam cũng đã có những ứng dụng cơ bản ban đầu.

(Vietnam Logistics Review) Ứng dụng của RFID không chỉ nhìn thấy được ở các quốc gia phát triển trên thế giới mà tại Việt Nam cũng đã có những ứng dụng cơ bản ban đầu.

(Link phần đầu: http://www.vlr.vn/vn/news/logistics-viet-nam/nghien-cuu-ung-dung/2863/rfid-cong-nghe-tuong-lai.vlr)

Ứng dụng RFID trên thế giới

Công nghệ RFID được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống như: kiểm soát động vật, giao thông (thẻ trả tiền tàu xe, hoặc gắn vào lốp xe để đánh giá điều kiện đường sá,…), quản lý truy cập hệ thống và bảo mật, quản lý nhân viên, hàng trong kho, container, lưu trữ thông tin bệnh nhân trong y khoa, ứng dụng trong ngành bưu chính viễn thông…

Trên thế giới, RFID đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo điều tra của đại học Cambridge (Anh), thị trường ứng dụng RFID dự báo sẽ đạt con số 23,4 tỷ USD vào năm 2020. Một nghiên cứu khác của AMR (Advanced Market Research) chỉ ra rằng khoảng 69% các công ty của Mỹ có sử dụng ứng dụng RFID. Các sáng chế liên quan đến RFID tăng lên nhanh chóng ở các quốc gia lớn như: Mỹ, Đức, Nhật...

Một trong những ứng dụng quan trọng của RFID là quản lý kho hàng, điển hình là trường hợp của 7-Eleven. Mặc dù hàng hóa vô cùng đa dạng và số lượng lớn thì lượng hàng lưu kho của công ty vẫn được duy trì ở mức tối thiểu. Giải pháp của 7-Eleven là sử dụng RFID. Các chuyên gia 7–Eleven cho rằng hệ thống kiểm soát hàng lưu kho giúp nhà quản lý xác định lượng hàng cần thiết phù hợp với nhu cầu. Các thiết bị không dây giúp người quản lý cửa hàng giải quyết được khó khăn trước đây: đặt hàng đúng số lượng cần thiết cho mỗi mặt hàng.

7–Eleven là một trong rất nhiều công ty đang sử dụng thiết bị di động để quản lý hàng lưu kho tốt hơn, tăng hiệu quả kinh doanh, cải tiến dịch vụ khách hàng và tăng lợi nhuận. Trên thực tế Walmart còn tiến xa hơn trong việc sử dụng công nghệ RFID. Các DN đang trang bị cho lực lượng bán hàng máy tính cầm tay, cung cấp cho khách hàng dịch vụ Internet không dây miễn phí...

Ứng dụng phổ biến khác của RFID là trong ngành bưu chính viễn thông. Bưu chính là ngành có khả năng ứng dụng RFID lớn thứ hai sau ngành bán lẻ. Các dịch vụ bưu chính và vận tải có thể sử dụng RFID để quản lý việc tiếp cận của mọi người tới phương tiện và bưu phẩm, sắp xếp bưu phẩm tới địa chỉ, giám sát bưu phẩm quá cảnh để ngăn chặn sự can thiệp, và thậm chí giám sát cả sự thay đổi nhiệt độ.

Bưu chính Mỹ đã có một loạt các thử nghiệm vào năm 2004 cho cả chuyển phát bưu kiện và dây chuyền cung cấp để phục vụ nhiều khách hàng. Một trong những ứng dụng thẻ RFID là thay thế các mã vạch trên các túi đựng được chia chọn qua các thiết bị tự động. Mục đích là tăng tuổi thọ của những chiếc túi bưu kiện và giảm khả năng đọc không thành công của mã vạch và bị hỏng theo thời gian. Những chiếc thẻ RFID cũng được gắn vào những chiếc xe tải bưu chính để giám sát hoạt động của phương tiện một cách tiết kiệm khi bưu phẩm được chất lên và dỡ xuống ở các địa điểm khác nhau. Ngoài ra, bưu chính Thụy Điển, Đức và Italia cũng sử dụng RFID trong các hoạt động bưu chính của mình.

Nhiều công ty sử dụng RFID trong quản lý container tại cảng để tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa, gian lận, trộm cắp.

Một trường hợp cụ thể là công ty Khai thác cảng biển SSA Marine. Trước đây, khi các container hàng hóa được bốc dỡ từ tàu, công nhân của SSA Marine phải đi đến từng container để ghi lại mã số của container. Các container hàng hóa thường xếp chồng lên nhau rất cao và rất khó để kiểm kê. Ed DeNike - giám đốc điều hành cảng tại SSA Marine cho biết có từ 10-20% các mã số container không được ghi lại chính xác, dẫn đến hậu quả là công ty cuối cùng không thể kiểm soát và mất dấu các container này. Công ty bắt đầu thử nghiệm một hệ thống từ tập đoàn WhereNet vào cuối năm 2004, sử dụng các thẻ RFID gắn trên container để theo dõi vị trí. Hệ thống nhận dạng được cài đặt trên các cần cẩu để ghi nhận lại mã số container. Thông tin này được truyền về hệ thống máy chủ để xác định vị trí và tình trạng của container. Với phần mềm từ WhereNet, SSA giảm được tổn thất do lạc mất container trong quá trình vận chuyển qua các cảng.

Ở nhiều quốc gia, RFID còn được ứng dụng trong an ninh quốc gia hoặc trong xử phạt. Tại Mỹ, Hội An ninh quốc gia (DHS) đã sử dụng RFID như một kỹ thuật để cải tiến an ninh ở biên giới Mỹ và cửa khẩu. California, Michigan, Illinois và Ohio lại sử dụng một hệ thống theo dõi RFID được phát triển bởi công ty Arizona để kiểm soát tù nhân.

Ứng dụng RFID tại Việt Nam

Công nghệ RFID đã có mặt trên thế giới từ thập niên 70 nhưng mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây vào khoảng cuối năm 2009. Theo ông Nguyễn Trọng Vũ, được xem là người khởi xướng công nghệ RFID ở Việt Nam và cũng từng là Tổng giám đốc Công ty AMCC Việt Nam thuộc Tập đoàn AMCC: “Cái khó của RFID là giá cả chứ lợi ích của nó thì chỉ cần 2 phút là thuyết phục được khách hàng. Một thẻ RFID có giá khoảng vài ngàn đồng nhưng đầu đọc đi kèm thì khoảng 1.000 USD/chiếc. Tùy theo quy mô sản xuất mà DN phải lựa chọn cách đầu tư tương ứng”.

Nhìn chung, việc sản xuất thẻ RFID và đầu đọc trong nước chỉ mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu. Còn về khía cạnh ứng dụng, thị trường Việt Nam hiện nay cũng bắt đầu phát triển nhiều thiết bị theo công nghệ RFID, có thể kể ra như: ISII Corporation - Đại học Bách khoa Hà Nội, TECHPRO Việt Nam hợp tác cùng hãng IDTECK - Hàn Quốc. Các sản phẩm ứng dụng RFID được sử dụng cho các giải pháp kiểm soát vào ra, chấm công điện tử, kiểm soát thang máy (áp dụng tại công ty TECHPRO Việt Nam); trạm thu phí xa lộ Hà Nội; trạm thu phí Chơn Thành (Bình Phước); hệ thống kiểm soát bãi đỗ xe tự động tại hầm đậu xe tòa nhà The Manor TP.HCM; ngành vận chuyển hậu cần (logistics), kiểm soát toàn bộ hàng hóa từ nơi sản xuất cho đến nơi tiêu thụ cuối cùng...

Năm 2001, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng hệ thống xe điện ngầm ở TP.HCM, Hà Nội và hướng đến hệ thống sẽ áp dụng vé điện tử sử dụng RFID. Tháng 11.2008 TP. Đà Nẵng đã triển khai dự án đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (373,9 tỷ đồng) do Ngân hàng Tái thiết KFW (Cộng Hòa Liên Bang Đức) tài trợ, trong đó có ứng dụng vé là loại thẻ có thể mã hóa bởi ảnh hoặc vân tay bằng chíp RFID để kiểm soát tự động... Đặc biệt, lợi ích mà RFID đem lại được thể hiện rõ nhất trong hệ thống theo dõi, giám sát và truy xuất sản phẩm (traceability system) được sử dụng trong ngành thủy sản. Những con chip RFID siêu nhỏ sẽ được gắn trên từng giai đoạn của sản phẩm nhằm ghi lại các thông số kỹ thuật của quy trình một cách tự động và được phần mềm chuyên dụng ghi lại kết quả nhằm làm cơ sở đảm bảo truy xuất sản phẩm trong chuỗi giá trị, nhanh chóng tìm được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại bất cứ đâu trong vòng 1 giờ. Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra đối với sản phẩm thì ngay lập tức DN có thể truy xuất ngược lại để tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.

Việc áp dụng RFID trong truy xuất nguồn gốc thủy sản đem lại nhiều lợi ích, nhất là đối với người tiêu dùng, vì công nghệ này góp phần kiểm soát được an toàn vệ sinh vùng nuôi, kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, chứng nhận sản phẩm không mang mầm bệnh, người tiêu dùng có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình sử dụng như là nuôi ở đâu, điều kiện môi trường như thế nào, dùng thức ăn gì... Khi các DN thủy sản Việt Nam sử dụng hệ thống này, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào các nước có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.

Điều kiện áp dụng

RFID là công nghệ mới nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công thì DN cần cân nhắc đến các điều kiện sau:

1. Nhận thức đầy đủ về RFID

Các công ty nhỏ không nên quá vội vàng ứng dụng công nghệ RFID. Trước khi ứng dụng, hãy quan tâm tới những lợi ích mong đợi, các thay đổi trong quy trình kinh doanh có liên quan, các giải pháp đánh giá cùng những yêu cầu cơ sở hạ tầng của chính DN mình. Hiểu rõ mục đích ứng dụng RFID của DN mình thật sự là gì.

2. Chuẩn bị về ngân sách

Douglas Singer, Chủ tịch Tập đoàn May mặc Grantex có nhiều kinh nghiệm ứng dụng RFID, cho biết rằng việc đầu tư ứng dụng RFID sẽ phải thử nghiệm và thiết kế rất nhiều. Do đó, ứng dụng RFID có thể là khá tốn kém. Các DN phải xác định rõ điều này. Theo Ronald E. Quirk, Luật sư tại Hãng luật Venable LLP chuyên về các vấn đề RFID, hiện một bộ đọc RFID thông thường được bán với mức giá khoảng 1.000 USD, trong khi các thẻ RFID có giá 0,2 USD/chiếc nếu mua số lượng nhiều và 1 USD nếu mua số lượng ít. Con số đã nêu chưa bao gồm giá phần mềm (Microsoft đã có kế hoạch hỗ trợ công nghệ RFID bằng phần mềm Windows XP Embedded phục vụ các nhà bán lẻ).

Theo Manish Bhuptani, Chủ tịch Hãng cung cấp giải pháp RFID - Cleritec Systems - thì luôn có một danh sách dài các sai sót mà nhiều công ty thường mắc phải khi thực thi RFID. Trong số đó có sự thiếu phân tích chi phí kỹ lưỡng (chỉ tập trung vào các chi phí mua sắm mà bỏ qua các chi phí bảo dưỡng lâu dài); không nhờ cậy các nhà tư vấn có chuyên môn; triển khai RFID xuyên suốt dây chuyền cung ứng mà không tổ chức kiểm tra, khảo sát nội bộ; và chỉ xây dựng một hệ thống tổng thể mà không quan tâm đến chi tiết cái nào thì mua, cái nào thì thuê.

Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng nếu muốn đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững thì các DN cần xem xét ứng dụng RFID vào hệ thống quản lý kinh doanh của mình, đặc biệt là các DN có sản phẩm đa dạng và lượng tồn kho lớn. Mặc khác, trong tương lai, giá thành các thiết bị về RFID sẽ ngày càng giảm dần.

3. Quan tâm đến đội ngũ nhân lực

DN phải có nguồn nhân lực nhận thức tốt về công nghệ này và phải có đội ngũ chuyên gia để tư vấn xây dựng hệ thống tổng thể, để triển khai RFID xuyên suốt dây chuyền cung ứng, để kiểm tra rà soát…

Hãy hy vọng rằng tương lai đó không xa và không chỉ ở trên thế giới mà người dân Việt Nam cũng có thể tận hưởng công nghệ này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
RFID: Công nghệ tương lai (Phần cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO