Startup Loglag đặt mục tiêu gọi vốn 1,5 triệu USD

Khánh Anh - VNExpress|11/11/2018 10:49

(VLR) Doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành logistics lên kế hoạch đến 2021 đạt tổng giá trị giao dịch 41 triệu USD, doanh thu 2,85 triệu USD.

Là một trong 15 đội vào vòng thuyết trình của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do báo VnExpress tổ chức, Cao Thị Anh Thư - sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Loglag Technology khá tự tin khi trình bày mạch lạc và suôn sẻ dự án logistics trước ban giám khảo.

Cao Thị Anh Thư - sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Loglag Technology trình bày về mô hình kinh doanh.

Cao Thị Anh Thư - sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Loglag Technology trình bày về mô hình kinh doanh.

Theo chị Thư, hiện ngành vận tải Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề như 90% công ty có ít hơn 10 xe tải, chỉ có 10% trong số này áp dụng hệ thống quản lý, 70% xe chạy rỗng chiều về, khiến chi phí vận chuyển tăng 30-40%. Ngoài ra vấn nạn mất mát, thất thoát hàng hóa thường xuyên xảy ra mà chưa có biện pháp rốt ráo để giải quyết.

Trước những thực trạng đó, Loglag triển khai giải pháp xây dựng ứng dụng đặt xe trong ngành vận tải, cung cấp ba dịch vụ gồm xe ghép, xe nguyên chuyến và xe xuất nhập cảng. Ứng dụng chạy trên nền tảng khai thác dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, từ đó có phần mềm quản lý đội điều xe thông minh giúp chủ hàng có thể theo dõi suốt chuyến thông qua thời gian thực.

Doanh nghiệp hiện nhắm đến thị trường mục tiêu hơn 11,5 tỷ USD tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, Loglag mong muốn có 2% thị phần, trị giá 220 triệu USD. Trong tương lai, startup sẽ nghiên cứu hộp đen riêng nhằm tăng cường kiểm soát các chuyến hàng, bên cạnh đó còn mở rộng sang lĩnh vực mua bán xe tải cũ, phụ tùng xe...

Kể từ khi triển khai phiên bản 1.0 vào tháng 7/2018, hiện Loglag có hơn 500 đầu xe, 25 chủ hàng, giá trị giao dịch 300.000 USD.

"Chúng tôi đề ra mục tiêu đến 2021 đạt tổng giá trị giao dịch 41 triệu USD, doanh thu 2,85 triệu USD. Mục tiêu trước mắt chúng tôi muốn gọi vốn 1,5 triệu USD", chị Thư nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng trước ban giám khảo.

Đại diện ban giám khảo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đặt câu hỏi khác biệt của Loglag là gì khi thị trường đang có nhiều đối thủ với sản phẩm tương tự. Thậm chí có đơn vị cho rằng sẽ phát triển nền tảng tương tự Uber, Grab cho ngành vận tải Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, đại diện Loglag cho biết ưu thế của startup là dám chịu trách nhiệm trực tiếp về hàng hóa. Ngoài ra khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, Loglag có các điều khoản chăm sóc khách hàng. Nếu xảy ra mất mát, doanh nghiệp có thể liên hệ ngay đội chăm sóc để được tư vấn thêm.

Phản biện câu trả lời của startup, ông Quất cho biết câu chuyện bảo hiểm hàng hóa hoàn toàn khác với câu chuyện kết nối cung - cầu trong ngành logistics.

"Còn nếu đơn thuần việc chịu trách nhiệm về hàng hóa chỉ dựa trên yếu tố chăm sóc khách hàng thì đơn vị nào cũng có thể làm được", ông Quất nhấn mạnh.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC, thành viên hội đồng giám khảo phân tích ưu, nhược điểm của mô hình Loglag cho đại diện startup.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC, thành viên hội đồng giám khảo phân tích ưu, nhược điểm của mô hình Loglag cho đại diện startup.

"Như vậy các bạn chỉ hỗ trợ để hai bên thực hiện cam kết trong hợp đồng giữa chủ xe và người sử dụng xe chứ không đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi kinh tế trong trường hợp mất mát", ông Trai khẳng định.

Theo ban giám khảo, mô hình hiện tại của Loglag mới chỉ là nền tảng kết nối cung cầu vận chuyển, chưa đủ năng lực bao quát toàn bộ quá trình giao nhận. Startup có thể dùng công nghệ để tăng cường giám sát xe di chuyển nhưng khó kiểm soát số lượng và chất lượng hàng hóa, vì thế đứng ra chịu trách nhiệm về hàng hóa sẽ bất khả thi.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Startup Loglag đặt mục tiêu gọi vốn 1,5 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO