Sửa đổi quy định để quản lý chặt kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa

Báo Hải quan|04/08/2020 08:38

(VLR) Nhóm vấn đề về quản lý kho, bãi, địa điểm đang được Tổng cục Hải quan nghiên cứu để đưa vào quy định cụ thể trong dự thảo sửa đổi Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gian lận, lợi dụng chính sách thông quan để buôn lâu, gian lận thương mại.

Kho ngoại quan tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: N.Linh

Kho ngoại quan tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: N.Linh

Cải tiến quy trình quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan

Về quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan quy định tại Khoản 59 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Điều 91 Thông tư số 38/2015/TT-BTC về quản lý hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, các quy định của pháp luật và quy trình nghiệp vụ về công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan cơ bản đã đầy đủ; các đơn vị trong toàn Ngành nhìn chung đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại, như: Không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số HS, số lượng, khối lượng hàng hóa để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý mặt hàng. Có hiện tượng không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan; lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập, tái xuất hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Vận chuyển không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.

Qua rà soát, đánh giá thực trạng quản lý hiện nay cho thấy nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên là do đặc thù của loại hình gửi kho ngoại quan tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ thống các quy định hiện hành vẫn còn khoảng trống, cách thức và hệ thống quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Để đảm bảo trong công tác quản lý kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan đề xuất đưa vào Thông tư thay thế Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC các nội dung như hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan đều phải đăng ký tờ khai hải quan, trong đó yêu cầu khai báo đầy đủ từng dòng hàng, chi tiết tên hàng, mã số HS, số lượng, chủng loại. Quy trình xác nhận thực xuất cần được quy định rõ ràng, khả thi, phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo quản lý trong cả trường hợp một lô hàng được xuất nhiều lần hoặc thay đổi cửa khẩu xuất.

Cụ thể hồ sơ, điều kiện địa điểm kiểm tra tại chân công trình

Về vấn đề thành lập địa điểm kiểm tra tại chân công trình hoặc cơ sở sản xuất, nhà máy, theo Tổng cục Hải quan, Điều 102 quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC đang quy định về địa điểm xin công nhận là địa điểm kiểm tra tại chân công trình hoặc cơ sở sản xuất.

Theo Tổng cục Hải quan, do chưa có quy định cụ thể về hồ sơ và quy định về điều kiện đáp ứng yêu cầu kiểm tra hải quan đối với địa điểm xin công nhận là địa điểm kiểm tra tại chân công trình hoặc cơ sở sản xuất dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, để thực hiện thống nhất trong việc công nhận địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tại chân công trình, cơ sở sản xuất, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ và điều kiện quy định đối với địa điểm xin công nhận là địa điểm kiểm tra tại chân công trình, cơ sở sản xuất.

Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 102 như sau: Địa điểm kiểm tra hàng hoá tại chân công trình hoặc cơ sở sản xuất, nhà máy là nơi tập kết hàng hoá, vật tư, linh kiện nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình, cơ sở sản xuất.

Về trình tự thành lập, doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá tại chân công trình, cơ sở sản xuất, nhà máy, kèm sơ đồ thiết kế khu vực kiểm tra hàng hóa gửi cục hải quan nơi có công trình, cơ sở sản xuất, nhà máy. Quyết định công nhận có giá trị hiệu lực trong thời hạn 2 năm kể từ ngày ban hành; hết thời hạn này, nếu doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn thì cục hải quan kiểm tra, xem xét gia hạn thời hạn hiệu lực của quyết định, thời gian gia hạn không quá 2 năm kể từ ngày ban hành quyết định gia hạn.

Tại dự thảo Thông tư, Tổng cục Hải quan cũng dự kiến sửa đổi quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo nguyên tắc khai 1 tờ khai nhập khẩu đối ứng với 1 tờ khai xuất khẩu và thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại 1 chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ, đồng thời việc kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu theo kết quả phân luồng của hệ thống.

Theo Tổng cục Hải quan, việc sửa quy định tại Điều 86 theo nguyên tắc này không làm tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vẫn thực hiện thủ tục hải quan bình thường như trước đây, nhưng có tính tập trung cao do thực hiện tại một chi cục và đảm bảo thuận lợi hơn so với trước vì chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa khi nhập khẩu theo kết quả phân luồng của hệ thống.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi quy định để quản lý chặt kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO