Những con số đầu năm
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 02/02, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết, ngày 27/1/2023 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Nhìn chung, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm cao nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù tháng đầu năm có thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) cũng đạt được những kết quả khả quan. Qua đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu NSNN đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu; thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế... Bên cạnh đó, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KTXH.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Chính phủ, thực tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; sức ép lạm phát còn cao; lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập; các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; việc triển khai một số chính sách của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...
Thách thức lớn
Theo nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 02/02, tình hình KTXH thời gian đến có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” do Tạp chí VnEconomy tổ chức sáng 11/1, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng những khó khăn, thách thức lại nhiều hơn.
Ông Hiển cho rằng, những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình KTXH nước ta.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng
toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực,
quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam,
từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác.
Bên cạnh đó, hiện nay trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có 6 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của WB công bố ngày 10/1, dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022.
Về tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2023, WB dự báo sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng ở Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ ở mức vừa phải do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn chậm lại.
Theo đó, dự kiến tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,3%, của Philippines đạt 5,4%, Malaysia là 4%, Thái Lan đạt 3,6%. Với Indonesia, WB dự báo tăng trưởng đạt mức trung bình 4,9% trong 2 năm (2023-2024).
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
(Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê)
Tiếp đến, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.
Về vấn đề đầu tư, cũng theo ông Nguyễn Đức Hiển, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì, các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.
“Như vậy, rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng những mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 02/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đặc biệt là tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả...